Thứ Ba, 21 tháng 1, 2014





phat minh


Chơi cờ vua 3 người, tại sao không?

Từ nhỏ, cậu bé người Nga Kononov luôn ấm ức vì sao chỉ có 2 người có thể cùng lúc chơi cờ vua mà không thể là 3 người. Ấp ủ ước mơ từ bé, giờ đây khi đã là một kỹ sư, Kononov đã thành công với ý tưởng tạo ra một bàn cờ cùng lúc cho phép 3 người chơi.
Luật chơi cho bàn cờ mới được phát minh này cũng tương tự như khi chơi cờ 2 người. Tuy nhiên, theo Kononov, bàn cờ này thực sự là một thách thức mới cho người chơi vì nó yêu cầu mức độ khôn khéo cao hơn, do vậy khi chơi khó giành chiến thắng hơn so với khi chơi cờ 2 người. Những ai đã giành chiến thắng với bàn cờ 3 người thì sẽ dễ dàng chinh phục được đối thủ ở bàn cờ 2 người. Phát minh bàn cờ vua 3 người của Kononov đã được Cơ quan Quản lý nhãn hiệu và bằng phát minh sáng chế Nga Rospatent công nhận. Hiện nay, bàn cờ của Kononov đang bắt đầu chuyến thử nghiệm tại nhiều địa điểm trên nước Nga, địa điểm đầu tiên là Penza, quê hương của ông.


Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

CAO SƠN LƯU THỦY

http://mp3.zing.vn/bai-hat/Cao-Son-Luu-Thuy-Ba-Nha/IW67E9OZ.html

Cao sơn lưu thuỷ gắn liền với một giai thoại về mối tình tri âm tri kỉ giữa Bá Nha và Chung Tử Kỳ. Ngay từ thời Xuân Thu Chiến Quốc( thế kỉ 4 tr.CN), Liệt Ngự Khấu, người nước Trịnh, trong Thang vấn, sách Liệt Tử chép: “ Bá Nha chơi đàn tuyệt hay, Chung Tử Kỳ nghe đàn càng giỏi. Bá Nha chơi đàn, chí tại núi cao, Chung Tử Kỳ nói: ‘Hay thay! vời vợi tựa Thái sơn’. Chí để nơi dòng nước chảy, Chung Tử Kỳ nói: ‘Hay thay! mênh mang như sông nước’. Bất luận là chí tại cao sơn hay chí tại lưu thuỷ, Bá Nha trong mỗi khúc nhạc đều biểu hiện chủ đề hoặc ư tưởng của mình, nhờ đó Chung Tử Kỳ có thể lĩnh hội được ư tứ đó. Nghe nhạc vốn dĩ là cảm cái khúc ư mà người chơi gửi gắm, đạo lư này vốn dĩ đă có từ ngàn xưa vậy. Cầm phổ sớm nhất của nhạc khúc này được ghi trong Thần kỳ bí phổ. Giải thích về nhạc khúc này sách viết: “Cao sơn lưu thuỷ ban đầu chỉ có một đoạn, đến đời Đường nó được phân thành hai khúc nhạc giống nhau, không phân đoạn, đến đời Tống người ta mới phân Cao sơn thành 4 đoạn, lưu thuỷ thành 8 đoạn”.

BINH THƯ YẾU LƯỢC


IV - DÃ CHIẾN

Sách Kinh thế:
 
Khi hai quân gặp nhau ở trên cánh đồng bằng, giặc chia mấy đường mà lại, quân ta cũng chia mấy đường mà ứng, chỉ cần lên một nơi gò cao, thế giặc thế nào, có thể thấy cả được. Đất bằng chia quân cũng dễ ra sức. Tức như nếu trước sau có giặc, quân ta cũng theo đó mà chia ra, quân trước thì chống ở trước, quân sau thì chống ở sau, chỉ huy thư thả, không nên vội vàng thất thố mà chuyển quân trước chống ở đàng sau. 


*
*   *

Phép gài tên dưới đất1


*
*   *

Sách Yên thủy thần kinh:
 
Phép đánh nhiều quân. Phàm đánh nhiều quân thì lợi ở đồng bằng. Kíp thì có thể vây, đánh cả quân viện, cắt đứt đường lương, phục binh mà đánh, hễ quân có lợi thì thôi. 

Phép đánh ít quân. Phàm đánh ít quân thì gọi là quả, lợi ở chỗ hiểm ách, hoặc nhân lúc rối ren, hàng ngũ chưa chỉnh, dinh trại chưa yên, đương ăn chưa xong, ít quân càng phải quấy rối. 

Phép đánh bằng voi. Phàm đánh bằng voi thì lợi ở đồng bằng. Nếu voi địch đến đánh, thì lợi ở dùng tre gai và chông; dùng hỏa công, hỏa tiễn mà đánh, hay nhử vào nơi bùn lầy mà đánh. 

Phép đánh bằng ngựa. Phàm đánh bằng ngựa thì lợi ở đất thập thắng, kiêng ở đất cửu bại2. Quân ngựa của địch đánh ta ở đồng bằng, thì dùng chông, hầm hố, dây thừng; nếu như gặp ta ở nơi bùn lầy, thì họ phải bỏ ngựa mà đánh. 

Phép đánh ở bãi cát. Nếu đánh ở bãi cát dài thì khi quân địch đến đánh, ta dồn cát thành đống mà mai phục, đợi địch đến được nửa trên nửa dưới thì đánh, hẳn thắng. 

Khi địch nhiều quân, thì ta nên lánh nơi bằng phẳng, đón ở nơi chật hẹp, khua trống mà dậy, địch dầu quân đông, không thể không rối ren. Vì lấy ít đánh nhiều, không gì hay bằng ở nơi hiểm trở, cho nên nói dùng quân ít cần phải ở đất hẹp; hoặc chia làm quân kỳ quân phục, hoặc tan làm nghi binh, quấy rối cho nhiều, thế thì địch không biết giữ thế nào. 

Binh pháp nói: Dùng quân ít càng phải quấy rối. 
_______________________________________
1. Trích một chương của sách Hổ trướng khu cơ, đây xin bỏ, xem ở sau.
2. - Đất thập thắng: Mười thế đất đánh thắng. (Đừng lộn với “thập thắng” ở trên). - Đất cửu bại: Chín thế đất đánh thua.



*
*   *

Sách Võ kinh:
 
Hỏi: Có quân rất nhiều, đã giỏi lại mạnh, dựa chỗ hiểm của núi sông, hào sâu lũy cao để giữ, mà lương hết quân mệt, khó điều giữ lâu thì làm cách nào? Trả lời: Thế thì dùng mưu của chủ tướng, không phải là sức của quân xa kỵ. Nếu gặp thì nên chia làm năm quân, để ở năm con đường. Địch ắt phải ngờ, không biết đánh quân nào. Đánh thắng thì tiến, không thắng thì chạy mau, dẫn nó đến chỗ mai phục, một quân đóng ở trước, một quân đóng ở sau, hai quân ngậm tăm, hoặc ở bên tả hoặc ở bên hữu mà đánh úp vào đấy. Năm quân giao tới, ắt là có lợi. Đó là phép đánh quân mạnh vậy. 

Hỏi: Địch lại bắt ta, ta muốn chạy không có đường, quân sĩ đều sợ, thì làm cách nào? Trả lời: Phải làm thế này: Nếu quân ta nhiều mà quân địch ít, thì ta chia quân ra làm kỳ và chính, căn dặn phải mềm mỏng; quân địch nhiều quân ta ít thì nên dùng cách phương tuyền1 mà không phải nghĩ ngợi gì nữa, vì cách phương tuyền, hoặc nói rõ ra để cho yên lòng, hoặc nói dối để cho vững chí, tuy quân rất sợ mà có thể đánh được. Đó là phép địch bắt ta, ta ứng lại vậy. 

Như quân ta đi ở bãi cát dài, không có đồn sở, nếu gặp giặc thì sai người tiếp ở xa, khi thấy thuyền giặc đã gần tới, thì đem quân ta mai phục, sức cho những người bắn giỏi phục ở đường trọng yếu, lại khiến binh chính đánh mà giả thua. Trong lúc địch đương ở nửa trên nửa dưới, thì ra hiệu cho quân phục bắn, hẳn là được. 

Như ở giữa đồng, hai quân đóng đồn bền giữ, một đêm mưa gió chợt thấy có giặc đến đánh, ta nên đóng vững quân không động, thám xét cho nghiêm, và dặn quân thấy giặc thì dừng động. Như thấy tả hữu của địch đánh vào thì không được vội vã, thầm sai động binh tiếp đánh. 

Đánh ngoài đồng. Chính là phép của nhà binh, trái với phép thì có cơ cũng không gieo vào được. Phép binh không gì tinh bằng cách đánh ngoài đồng. Hoặc tiến hoặc lùi, hoặc thưa hoặc dầy, bày trận thì như mây nổi cuốn ngoài nội, quân đi thì như tơ bông bị gió bạt; khi đến sát thì như cát bờ đá dựng, cao thấp dùng thế; khi bắt giặc thì như muôn ngựa đuổi gió, hết sức nhảy bay. Địch lấy phép mà đo, phép cũng không kịp phòng bị, lấy kỳ mà lường, kỳ cũng không kịp ứng đối. Lấy loạn mà xét thì loạn mà không mất, ruổi mà không chạy, cờ xí rối động mà không lung tung, mỗi người tự đánh, quân tự lập thế, thấy lợi thì làm, thắng không định được dấu vết ở đâu. Thế mới gọi là tướng biết dùng binh vậy. 

Phép đánh bộ. Nghe trống một hồi, quân bộ, quân kỵ đều phải trang bị; nghe một hồi nữa thì đều cưỡi ngựa đứng yên; nghe hồi thứ ba thì theo thứ tự dậy đi, dựng cờ hiệu. Sau nghe tiếng trống thì sắp trận. Quân xích hậu thì coi địa hình rộng hẹp, dựng nêu ở bốn góc. Trong phép chế trận, các bộ khúc đều tiếp bộ mà bày quân. Quân khi vào chiến trận, là từ chỗ sống mà vào chỗ chết; từ chỗ thực mà vào chỗ hư; từ chỗ lợi mà vào chỗ hại; từ chỗ nhàn mà vào chỗ nhọc; từ chỗ không bị cùng mà vào chỗ khốn cùng. 
_______________________________________
1. Phương tuyền: Nghĩa đen phương là vuông, tuyền là xoay tròn, không rõ cụ thể là phép thế nào.


V - SƠN CHIẾN

Sách Kinh thế: 

Trong núi với đồng bằng, địa thế không giống nhau, thế trận và sự hành quân cũng phải khác. Trong núi hiểm trở muôn hình, hoặc là lèn treo suối chắn, chỉ một đường đi, ngoắt ngoéo cong dài, hoặc đôi bên sâu rậm, hoặc đá chất ngổn ngang, hoặc khe chẹt cầu gẫy, hoặc cỏ tốt um tùm, hoặc ngòi sâu bùn hẳm, không chỗ nào có thể đặt phục binh, không đường nào có thể đón chặn, nếu dò xét không rõ ràng, thì bị nhầm lọt vào đó. 

Nay có một phép hay: Quân ta đánh nhau với quân giặc, không ở chỗ có thể phá được giặc, mà trước là ở chỗ không thể bị thua. Nay hãy nói trong dinh có một nghìn quân thì cứ mỗi trăm làm một tiêu, bắt một tên bộ binh nhanh nhẹn hợp với một tên mã binh, sai cho đi trước, hoặc 2, 3 dặm hay 4, 5 dặm, hễ gặp bên đường có núi, người mã binh không thể lên được thì người bộ binh cầm một lá cờ nhỏ lên chung quanh núi dò trông. Nếu không có quân mai phục và quân giặc ở trước, thì cầm cờ đứng ở trên núi làm hiệu, mã binh chạy về báo là đường thứ nhất không có sự gì kinh nghi. Tiêu thứ nhất lập dinh; rồi tiêu thứ hai cũng đi, hoặc 1, 2 dặm, hay 3, 5 dặm, thăm dò đích xác, lại báo như trước. Lần lượt đến tiêu thứ 7, 8, 9, 10, đều như thế mà lập dinh. Như 10 tiêu đã hết, lại từ tiêu thứ nhất cuốn dậy tiến lên. Nếu một mặt là núi thì một người có thể trông suốt được; như hai mặt đều là núi, thì không khỏi nhìn một mặt có sự sai lầm, cũng chưa định được. Nên lại bắt bộ binh chia tả hữu lên trông, thấy tả hữu đều không có gì đáng sợ, thì không phải cất cờ hiệu nữa. Hoặc một bên có động, thì người ở trên núi một bên giơ cờ lên, rồi người mã binh chạy về báo biết, để tiện ứng địch. Cứ theo cách đó mà hành binh. Phàm tình hình của giặc ta đều dự biết được cả. Nó dù đón chặn hay giả cách nhử ta, thì ta đã trước có thể không thua vậy. Nếu quân thám của ta không phòng bị, chợt xảy gặp giặc, thì người mã binh chạy về báo biết để tức thì ta theo hình núi mà bày trận dự bị đón giặc. Còn một tên bộ binh, nếu chạy hỏa tốc kịp về thì hay, như chạy không kịp thì lẻn vào chỗ núi sâu lèn đá, hay chỗ cây cỏ um tùm mà tạm ẩn lánh, thân của một người, địch vội vàng chẳng rỗi mà tìm, có thể khỏi nạn. Như quả thám báo được sự thực, quân ta có công, thì phải đem những người thám báo ấy làm công đầu mà thưởng. Để cho quân ta không phải lo lắng vì vội vàng sửng sốt, việc ấy có quan hệ lớn cho nên thưởng cao hơn mọi người. 

Núi sâu đường hiểm, quân đi thám sợ một khi tìm tòi không được, nhằm vào trong đám quân phục, hoặc đón ở trước ta, hoặc xông vào giữa ta, hoặc đánh đứt sau ta, giặc lấy thế có mưu mà đợi ta không phòng bị, đường núi cách trở đầu đuôi khó tiếp viện nhau, chỉ trăm bước đường hiểm mà trước sau không cứu được nhau, nếu không báo trước rõ ràng thì hẳn là sửng sốt bối rối. Phàm tướng sĩ các ngươi, trước hay đem binh đinh sở bộ định trước quan binh hai tiêu. Nếu gặp chỗ hiểm yếu thì khiến lập dinh ở hai quả núi. Nếu tiêu trước gặp sự kinh động, thì phải đem bản tiêu lùi vào hai bên mà lập dinh. Phải nhắm chính chỗ cửa đường, bọc núi liền đồng, mà lập dinh ngừa chống. Khi giặc lui thì rỏn theo sau. Dinh sau lại ào ào kéo ra, tiếp nhau mà lập dinh, đổi phiên mà lần lượt đánh. Đó là phép phản khánh làm chủ, ta nhàn giặc nhọc. Nếu giặc tự trung gian xông ra, thì quân ta ở hai đầu đóng giữ núi hiểm, ngồi đóng ở trên cao để chờ, xem cơ mà ứng biến, sĩ khí gấp trăm lần, giặc dầu có mưu cũng khó thi thố, là vì quân ta trước đã có dinh lũy để chờ nó đến, ví như đến nơi đã có nhà rồi, tự nhiên lòng quân thống nhất, không đến tan vỡ, kẻ kia kẻ nọ giúp nhau thì đảm khí của người tự mạnh. Nếu giặc đánh chặn sau ta, thì ta nên lấy lùi làm tiến, đem các hậu tiêu đổi làm tiền tiêu, lượng để binh mà giữ giặc, rồi cuốn ngược mà về, nó khó mà đón được. Như gặp núi khe đường hiểm thì phải để quân đóng giữ, rồi sau lại tiến. Hành dinh trong hang núi, không gì hơn phép ấy, đó là cái thế cuốn mành làm trận, bước bước làm đinh vậy. 

Hai quân gặp nhau ở nơi núi hiểm, binh ta cả quân tiến lên, nếu giặc giữ đầu núi chia đội mà đến, ta mới đầu vội vàng khó thấy, khi giặc đến gần mới nhận rõ, ta phải một lúc chia quân, không những không dễ dàng, mà lại bốn bề toàn núi, thực khó giàn bày. Giặc đã giữ nơi cao đổ xuống, dễ đến áp bức, ta không khỏi không có sự lo trở tay không kịp. Từ nay về sau, nếu đánh nhau ở trong núi, trừ khi đón đại quân của giặc thì cứ theo đại thế mà đón trước, bằng như bốn bề có núi, có thể đánh đường đến của giặc, thì trước hết theo thế núi chia đường mà tiến. Nếu quân giặc phân đội mà lại; thì tự có thể hai bên đối đầu nhau; nếu giặc chưa thành đội mà đến, thì ta nhân nó không phòng bị, bốn mặt đánh lại thì có thể khiến sở đoản của giặc đều hóa làm sở trường của ta. Lại trừ việc chia đường ra, đại tướng phải lên trên núi rất cao, đem binh tự vệ chia ra làm mấy đội, mỗi đội giao cho một tướng giỏi, bày quân nghiêm chỉnh, xa trông tình hình quân ta gặp giặc ở trên đường nào. Nếu như hàng ngũ thảnh thơi, chí khí hăng hái, thì biết đường ấy ắt thắng. Hoặc thấy đường kia đi chạy vội vàng, đội ngũ lộn xộn, thì biết đường ấy hẳn kém, tức thì sai tướng giỏi dưới trướng đem quân giúp đỡ. Hoặc thấy đường ấy quân giặc bội hơn quân ta, thì cũng sai đem quân đến giúp. Nhưng trong lúc chia đường đón giặc cũng phải có phép mới được. Tỉ như quân ta vừa đến đầu núi mà giặc đã đến dưới núi, thì ta giữ núi không xuống, đợi giặc lên đến nửa núi thì quân ta tức đem gỗ đá lên núi lao xuống mà đánh, chẳng những quân trên núi đỡ sức, mà gỗ đá lăn xuống làm bị thương nhiều. Nếu như giặc ở trên đầu núi mà quân ta đến dưới núi thì ta giả làm cách nhát chạy, nhử giặc xuống nửa núi, quân ta giải ra mà gấp lên núi để đánh. Quân ta nhát chạy, một là tránh được chỗ khe núi, khỏi bị đá gỗ lao xuống, hai là nhử cho giặc mất chỗ hiểm và không có gỗ đá để đánh. Nếu quân bắn súng của giặc chưa sẵn bùi nhùi thì lại không thể bắn được một tiếng súng nào. 

Phép đánh trận ở núi hang. Phải khéo đặt quân phục, đánh mạnh thì có lợi. Những người nhanh chân thì lấn lên chỗ cao, những quân cảm tử thì đỡ ở đằng sau. Bày nỏ để xông đánh. Dùng chước cầm cự thì nó không tới được mà ta cũng không đi được.


*
*   *

Sách Bảo giám:
 
Phàm đánh nhau mà bên tả có núi chằm, bên hữu có gò đống, thì lên cao mà đánh xuống thấp, ở nơi sống mà đánh nơi chết, đó là ở gò bằng mà đánh người. Nếu tả hữu là gò núi hang khe chật hẹp mà gặp nhau với địch thì ta nổi trống rầm núi, cờ xí tựa rừng, lên cao nhòm xa, người ngựa ra vào, đó là ở núi hang mà đánh người. 

Đánh trận ở núi gò, thì không ở dưới chỗ cao, không nhìn xuống chỗ sâu, không xông vào chỗ hẹp, không đi ra xa quá. Đánh trận ở trong rừng, không liền nhau thì không ruổi chạy. Đánh trận ở gò đống thì không xuống chỗ hẳm. Đánh trận ở gò bằng thì không lìa ra xa.


*
*   *

Sách Yên thủy thần kinh:
 
Phàm đánh trận ở núi thì ta phải ở nơi cao, cắt đứt đường vận lương của địch, đặt quân phục và khiêu chiến, đó là lý tất thắng. 

Phàm đánh trận ở chằm, thì nương theo cỏ nước, dựa lưng vào cây cối, lợi ở phép đặt phục và khiêu chiến, làm như thế tất thắng. 

Phàm đánh trận ở núi hang, thì ta phải ở nơi cao, tiện về cỏ nước, lợi ở đặt phục, hay hư trương ở nơi khác làm nghi binh, thì địch thua ngay. 

Hỏi: Gặp địch ở nơi khe hang, ở bên chỗ hiểm trở, địch nhiều ta ít thì làm thế nào? - Trả lời: Phàm gặp địch ở nơi đó, phải hành động gấp để đi ngay, không được thong thả. Nếu thình lình mà gặp, dẫu quân nhiều cũng không dùng được. Trước hết phải kén quân khinh nhuệ cho ở trước hò reo đánh trống mà thừa cơ. Địch hẳn rối loạn thì ta đánh, đừng ngần ngại. Bằng nó vững luỹ để giữ thì để nó ở chỗ hẹp, rồi tùy nghi mà đối phó, hoặc hư trương làm nghi binh, hoặc ngầm đặt quân phục, tùy theo thế mà đánh thì phải thắng. 

Hỏi: Hai núi giáp nhau mà đất thì rất hẹp, bỗng gặp giặc thì làm thế nào? - Trả lời: Đó gọi là đánh trận ở núi hang. Tuy nhiều chống ít, quân giỏi nhẹ chân của ta cầm binh khi sắc đi hàng đầu, chia bày bộ kỵ nấp ở bốn phía, chẳng thấy được quân, rồi dời dinh ra ngoài núi mà tỏ bảo cho giặc biết, sai tiền đội thay phiên tiếp nhau ra khiêu chiến, làm cho giặc không được nghỉ ngơi, lấy nhàn đổi nhọc, thì đánh phải thắng. 

Như giặc chiếm nơi cao, đó là nó giữ được nơi hiểm; ta không nên đánh, nên lui mà tìm nơi vợ con và kho chứa của giặc để đánh và đặt quân phục ở đường trọng yếu. Giặc hẳn phải bỏ nơi hiểm mà đi cứu. Ta nhân lúc giặc mất chỗ hiểm, nổi quân phục mà đánh, quân chính trở lại hợp đánh, đánh là phải thắng. 

Như gặp giặc chạy vào trong chốn núi chằm, đó là nó giữ được đất hiểm, đánh thì nó lui lánh. Tìm ngay chỗ hiểm mà giữ, rồi chia quân làm ba chi, một làm kỳ, hai làm chính, khiến quân kỳ mai phục, quân chính thì đánh, giả cách chạy. Địch hẳn bỏ chỗ hiểm mà đuổi đánh. Quân kỳ dậy đánh, quân chính trở lại hợp đánh, chắc là phải thắng.


VI – THỦY CHIẾN.

Thuyền lớn thì thắng thuyền nhỏ; thuyền chắc chắn thì thắng thuyền mỏng mảnh; thuyền thuận gió thì thắng thuyền nghịch gió; thuyền thuận dòng thì thắng thuyền nghịch dòng. Thuyền- phải phông cạn, phòng lửa, phòng gió, phòng bị đục, phòng khóa sắt cọc sắt. Lấy thuyền Phúc-kiến mà gặp thuyền Nhật-bản thì như lấy xe mà nghiến con bọ ngựa. Thuyền Phúc-kiến như thành thuyền Nhật-bản như một khoang, ở trong biển lớn gặp nhau, thì đấu sức thuyền mà không đấu sức người, thế thì biết lớn thằng nhỏ vậy. Lấy thuyền Phúc-kiến mà gặp thuyền Quảng-đông thì như lấy đá mà ném vào núi. Thuyền Quảng-đông đều là gỗ lim, mà thuyền Phúc-kiến thì chỉ là gỗ thông, sóng gió đập nhau, gỗ khô đụng một cái là nát, thế thì biết chắc chắn thắng mỏng mảnh vậy1.

Các họ Tôn (Quyền) Tào (Tháo) Lưu (Dụ) Lư (Tuân) đánh nhau, thuận gió thì được trời giúp, nghịch gió thì hỏng sự cơ, thế mới biết nhân được sức gió thì có lợi vậy. 

Đời Xuân thu nước Ngô nước Sở tranh nhau, theo thủy chiến thì nước Sở thường thắng, theo lục chiến thì nước Ngô thường thắng, thế mới biết thủy chiến ở thượng lưu thì lợi hơn. Tuy thế, trận đánh ở Bà-dương2, thuyền địch cao lớn, ta khó đánh được. Quân Minh phóng lửa để đốt cháy hết. Thế là nhỏ thắng lớn, mỏng thắng chắc vậy. Trong cuộc Ngô Ngụy đánh nhau, địch được thế gió, Phó Quán đem thuyền giả cách lánh, đợi địch đi qua mà quay thuyền lại, tung gió mà đánh thắng. Thế là đổi dưới gió làm trên gió vậy. Trong cuộc Lương Trần đánh nhau, địch thuận dòng mà xuống đông, thẳng tới Kiến-khang3, Hầu Trấn4 thong thả ra Vu-hồ5 mà rỏn theo sau. Thuyền địch trái gió mà tự đốt. Thế là đổi ngược dòng làm xuôi dòng vậy. Còn nạn mắc cạn cũng đáng lo. Thuyền ngự mắc cát ở Bà-hồ6 gần nguy, nhưng Nhạc Phi bình Dương Yêu7, dự bị đặt trước bè cỏ để lấp cửa lạch, bách địch phải chạy vào chỗ hiểm mà bắt lấy. Họ Ngô8 ở Giao-châu nhân nước triều ra khiêu chiến mà giả cách trốn, đợi thuyền địch vì nước triều rút mà vướng cọc, nhân đấy mà đánh. Thế mới biết có thể dùng nạn mắc cạn để đánh quân địch được. Về nạn gió thì Thế-kiệt9 bị bão, úp thuyền ở Nhai-môn, quân Kim bị sóng cuốn ở Đường-đảo10. Nhưng phép thuyền đi biển, hai đầu đều đặt bánh lái, gió thổi đông mà chạy tây, gió thổi nam mà chạy bắc. Chiêm nghiệm mà đoán định, không gì là không đúng. Thế là có thể dùng người mà phòng gió được. Về nạn lửa, mạnh như Mạnh-đức11 mà thua; khôn như Thế-trung mà thua; quyệt như Từ Đạo-phúc mà thua. Hoặc là nhân gió mạnh mà đốt, hoặc là chia cho bộ binh chạy giáp bờ mà đốt. Nhưng trận đánh ở Nhai-sơn12, thuyền biển trát bùn mà tên lửa bắn không cháy được; trận đánh ở Hà-dương13, gậy sắt chống thuyền chứa dầu mà phút chốc tắt hết. Thế mới biết có thể dùng kế để chống lửa vậy. Ở giữa dòng mà lỡ mất thuyền, một bình nước đáng giá nghìn vàng; cứ liều đánh ở trên thuyền, không bằng ngầm đâm ở dưới thuyền; cứ phá quân của địch, không bằng phá thuyền của địch. Thế thì cái lo bị giặc dùi thuyền rất lớn. Song hoặc khung thuyền dùng ván ghép, đáy thuyền đặt đinh sắt, hoặc mộ người giỏi lặn lội để giữ thuyền, đó cũng là cách phòng địch đánh chìm thuyền ta vậy. Nếu khi địch tiến mà muốn chống, khi địch chạy mà muốn bắt, thì hoặc căng xích sắt, hoặc chằng bánh xe của thuyền, buộc cây hay thả đá, đặt rạng ngầm, chống ở bến, đó chẳng phải là những kế chặn đường nước hay sao! Vậy muốn phá xích sắt và rạng ngầm, thì nên làm một cái bè lớn ngồi mà tiến lên, đem dùi để theo bè, đuốc lớn chứa sẵn, gỗ dài tẩm dầu, nấu sắt mà phá đứt dây xích. Nếu muốn phá thuyền mông xung kết liền của địch, thì nên mộ những người tráng sĩ mặc áo giáp mà tiến đánh, dùng búa chặt dây xích, đốt củi đổ dầu, thuyền đứt theo dòng nước trôi đi, thuyền cháy ngất trời. Nếu bè vướng đá ngầm mà mắc cạn, thì nên sai người giỏi lặn lặn xuống cầm đồ sắc nhọn phá những lồng đá cho nước thuận dòng cuốn đi, không còn vướng nữa. Đó cũng là cách chặn đường nước để phòng địch vậy. 
___________________________________
1. Xem Võ bị chế thắng chí, quyển 13.
2. Tức là hồ Bành-lãi ở phía bắc tỉnh Giang-tây.
3. Tức là Kiến-nghiệp cũ, kinh đô của Ngô Quyền thời Tam-quốc, ở phía nam huyện Giang-ninh tỉnh Giang-tô ngày nay.
4. Thứ sử Trương-châu ở thời Trần.
5. Vu-hồ: Hồ lớn ở tỉnh An-huy, thuộc huyện Vu-hồ.
6. Tức là hồ Bà-dương hay Bành-lãi.
7. Dương Yêu: Đời Tống Cao tôn nổi loạn ở hồ Động-đình làm thủy khấu, cuối cùng bị Nhạc Phi đánh bại.
8. Chỉ Ngô Quyền nước ta đánh quân Nam Hán ở sông Bạch-đằng.
9. Thế-kiệt: Tức là Trương Thế-kiệt. Cuối thời Tống, đi theo Đế Bính ở Nhai-sơn, đóng quân ở đấy, sau bị đắm thuyền, vua tôi nhà Tống đều chết, nhà Tống bị diệt ở đấy.
10. Đường-đảo: ở phía nam Giao-huyện tỉnh Sơn-đông, một đạo quân Kim do đường biển muốn đánh úp Hải-châu, đậu thuyền ở đấy, bị tướng Tống là Lý Bảo đánh bại.
11. Tức là Tào Tháo bị Chu Du nước Ngô đánh hỏa công ở Xích-bích.
12. Nhai-sơn: Đảo ở phía nam huyện Tân-hội, tỉnh Quảng-đông, vua tôi nhà Tống bị quân Nguyên đuổi, đánh đắm thuyền ở đấy.
13. Hà-dương: Thuộc Mạnh-huyện, tỉnh Hà-nam. Lý Quang-bật nhà Đường giữ thành ấy để chống Sử Tư-minh.


Kỳ, nghĩa là cành cây vậy. Kỳ là vượt nước sâu, qua sông lớn, dùng nỏ cứng mà đặt binh; là vượt qua sông nước mà đánh. Phép đánh dưới nước, lợi ở thuyền ghe, kén quân rèn tập cho ngồi, trương nhiều cờ xí làm cho địch ngờ, bắn nỏ mạnh cho trúng, cầm gươm ngắn để đỡ, mang nhiều lá chắn để xông vào, thuận theo dòng mà đánh tới. 

Gặp địch thì đừng bức bách nó xuống nước, vì nó biết đó là không khỏi chết thì phải liều chết mà không chịu thua, như con thú cùng còn đấu, con ong con rết còn châm, huống là con người. Nên đợi nó sang sông nửa chừng mà đánh. Kẻ biết trước thì khỏi chết. Kẻ theo sau thì không có đấu tâm. Nếu ngược nước mà đến thì ta đón ở ngoài nước. Đó là dùng nước mà đánh người vậy. 

Trong khi đánh trận bằng thuyền, nghe hồi trống thứ nhất, quan và quân đều nghiêm. Hồi trống thứ hai, binh lính ở thuyền chỉnh đốn chèo lái, cầm binh khí và giàn thuyền, ai ở chỗ nấy; cờ xí, còi, trống, tùy đó mà chở. Trống đánh hồi thứ ba, các thuyền lớn nhỏ lần lượt tiến ra, tả hữu trước sau, đều theo thứ tự ở bản đồ, ai trái lệnh thì chém. Chiến đấu dưới nước, không đi trái gió, không đi ngược dòng. 

Đánh ở nước, ta kém mà địch giỏi, lấy kém mà đánh giỏi thì khó. Nếu như lấy tướng của địch, dùng quân của địch, cướp lấy tay chân của nó, lìa lòng dạ của nó làm cho cô lập, rồi đem quân nhà vua nhân đó mà đánh, trong khoảng tám ngày, có thể bắt cóc tù trưởng.


*
*   *

Sách Hổ trướng khu cơ:

Phép lấy nước uống trong biển1


*
*   *

Bày trận sát nước, nên chờ địch sang nửa chừng mà đánh, lại bày nghi binh để ứng, mà xuất binh kỳ để đánh úp. Sát nước mà không cho nó sang được, đó là cách giữ lâu, chứ không phải là muốn đánh chóng vậy. Sao ta lại không dẫn quân lùi ra, để cho nó sang nửa chừng, ta dùng quân thiết kỵ ùa đến mà giết thì nhất định phải thắng. Nếu để cho nó sang hết cả, nó có chí đập bếp đắm thuyền, làm quân liều chết, thì một người đánh nổi trăm người. 

Bày trận quay lưng ra nước có khi thua có khi được không giống nhau. Bên hữu và sau lưng là núi gò, trước mặt và bên tả là chằm sông, đó là phép thường của nhà binh; quay lưng ra nước mà bày trận, đó là phép kỳ vậy. Như Hàn Tín ở trận Trì-thủy2, đó là liều chết mà thắng; Cao tổ ở trận Duy-thủy3, đó là vì trễ nải mà thua. 

Nhạc Vũ-mục nhà Tống vâng mệnh đánh Dương Yêu4 ở hồ Động-đình. Yêu cậy thế hiểm. Quan quân từ trên cạn đánh thì nó chạy vào hồ, mà đánh ở nước thì nó nhẩy lên bờ. Quân sở bộ của Phi đều là người Tây-Bắc, không quen thủy chiến. Bèn trước sai sứ đến dụ thì đảng nó có Hoàng Tá ra hàng. Phi dâng biểu xin trao cho quan chức, lấy lẽ thuận nghịch mà dỗ bảo. Tá cảm rồi khóc, thề lấy chết mà báo ơn, được sai trở về trong hồ, xem kẻ nào có thể nhân cơ bắt được thì bắt, kẻ nào có thể khuyên được thì vời. Tướng của Yêu nhiều người hàng. Phi đêm đánh úp dinh giặc, trong đó có quân mấy vạn. Tướng của Yêu đương cưỡi thuyền ở trong hồ, bánh xe đập nước, thuyền đi như bay, bên mạn thì đặt gậy đánh. Thuyền quan đón thì tan ra. Phi bèn chém gỗ ở núi Quân-sơn mà làm bè to lấp ngang các cửa lạch, rồi lấy gỗ mục cỏ rối cho thả từ thượng lưu trôi xuống, chọn nơi nước cạn, sai những người giỏi chửi khiêu khích, vừa đi vừa chửi. Giặc tức đến đuổi, thì cỏ cây dồn lại thành đống, bánh xe thuyền vướng không quay được. Phi đánh gấp ngay. Giặc chạy vào trong lạch thì bị bè ngăn lại. Quân Phi cưỡi bè căng da trâu để che tên đạn, vác cây to đánh vào thuyền giặc nát hết. Yêu cùng đường nhảy xuống nước chết. Quân còn lại đều đầu hàng. 
____________________________________
1. Trích cả một thiên “Thủy chiến” của sách Hổ trướng khu cơ, gồm 9 chương, ở đây bỏ cả, xem ở sau.
2. Ở tỉnh Trực-lệ.
3. Ở tỉnh Sơn-đông.
4. Dương Yêu: Xem chú ở trên - Nhạc Võ-mục là Nhạc Phi, thời Tống.


Thủy chiến thì sông lớn là đường trọng yếu. Đường sông thế không giống nhau. Có khi thuyền rời bờ còn được nửa lợi. Có khi vừa thủy vừa lục đều tiến mà có thể được toàn lợi. Đó là có thể lấy chu sư1 mà tiến vậy. Chẹt lấy chỗ yếu hại của giặc khiến nó không tiến được, đó là có thể dùng chu sư mà giữ vậy. Đánh bằng thuyền thì thuyền lớn phải được thuyền nhỏ. Thuyền rộng lớn như thành không phải sức người có thể lùa được, toàn nhờ thế gió. Thuyền địch hèn nhỏ mà lại thì bị thuyền lớn thừa gió ép xuống, đó là đấu sức thuyền mà không phải đấu sức người, đến đâu thắng đấy. Lại nói quân ta thuyền nhỏ, trông thấy thuyền khác cao lớn như núi, lớn nhỏ không thể địch nổi, như thế không dùng hỏa công không được. Sức thuyền bền mỏng không giống nhau, hai thuyền ở biển, nếu xung kích nhau thì thuyền mỏng phải vỡ. Người làm tướng nên biết sức thuyền mình và lượng tính thuyền giặc thì mới có thể đánh được. 

Thuận gió đánh ngược gió. Phàm thủy chiến thì lợi ở hỏa công, mà trợ hỏa thì có gió. Được gió thuận thì thắng, bị gió ngược thì bại. Như Ngô-Việt vương Lưu sai con là Phó Quán đánh nước Ngô. Nước Ngô sai Bành Ngạn-chương chống cự ở núi Lạng-sơn. Thuyền Ngô nhân gió mà tiến. Phó Quán lánh đi cho qua, rồi sau đuổi theo. Quân Ngô quay thuyền lại đánh. Phó Quán sai theo chiều gió tung tro bay mù làm cho quân Ngô không mở mắt được, đến khi thuyền ghe sát nhau thì Quán sai rắc cát ở thuyền mình mà vãi đậu sang thuyền Ngô. Đậu bị máu chảy thấm ướt, người Ngô dẫm lên đều ngã dài. Quán nhân phóng lửa đốt, thuyền Ngô cả thua. 

Thuận dòng thắng ngược dòng. Như Thần Phúc nước Ngô từ Ngạc-châu xuôi phía đông, Điền Quân2 sai tướng là Vương Đàn và Uông Kiến đem thủy quân đón đánh. Thần Phúc bảo các tướng rằng: “Quân nó nhiều quân ta ít, nên dùng kỳ mà đánh”. Thần Phúc giả cách thua chạy, đem thuyền ngược dòng mà lên, Đàn và Kiến đuổi theo. Phúc lại thuận dòng mà đánh xuống, nhân gió buông lửa, Đàn, Kiến cả thua. 

Phòng mắc cạn. Ngô Quyền nước Việt ta cất quân đánh Công Tiễn ở Giao-châu. Chúa Nam Hán sai con là Hoằng-thao đem quân cứu Công Tiễn. Quyền đem quân đón đánh. Trước đã đóng ở cửa biển nhiều cọc lớn vót nhọn đầu và bịt sắt, sai thuyền nhẹ nhân nước triều lên ra khiêu chiến mà giả cách thua chạy. Phút chốc nước triều xuống, thuyền quân Hán đều mắc cọc sắt mà không trở lại được, quân sĩ đắm chết già nửa. 

Phòng lửa. Trát bùn buộc gỗ để chống lửa. 
______________________________________
1. Chu sư là quân đi thuyền, tức thủy quân.
2. Điền Quân đời Đường, làm quan đến thái bảo, sau mộ quân đánh Thăng-châu (tức là Kiến-lăng phủ ngày sau) thất bại.


CHIẾN THUYỀN. 

Thuyền máy thần phi1. Hình dáng như thuyền biển, chu vi dùng da trâu sống để che, hoặc chẻ tre đan phên để đỡ tên đạn, ở trên thì để cửa bắn súng và lỗ bắn tên, chia làm ba tầng thượng, hạ, trung, ở đuôi thuyền để một khoang kín để thông trên dưới, tầng giữa thì chứa dao và đinh, hai bên thì đặt mái chèo hay bánh xe, cỡi sóng rẽ gió, đi lại như bay. Thủy thủ thì dùng người lội giỏi. Gặp giặc giả cách thua, bỏ thuyền cho nó. Tinh binh thì phục ở dưới khoang kín. người lội giỏi thì nhảy xuống nước mà chạy, đợi giặc mới mở máy thuyền, thì nhào vào trong tầng giữa, dỡ dao đinh ra mà đánh, giặc tất bị giết hết. Nếu xông vào thuyền giặc thì hai bên thuyền ngầm phục súng nỏ, thế không ai địch nổi. 
Hình 5. Thuyền bánh xe

Thuyền mẹ con. Dài 3 trượng 5 thước, phần trước 2 trượng dáng như cái thuyền thúng, phần sau 1 trượng 5 thước, chỉ che ván hai bên, trong lòng rỗng không, đằng sau giấu một cái thuyền nhỏ thông liền ba chỗ, cũng có đậy ván che người, hai bên bốn mái chèo. Thuyền mẹ phía trước không để mái chèo, trong khoang chỉ chở cỏ củi và đặt thuốc súng, hai bên nách đầu thuyền đều dùng những đinh răng sói, lưng thuyền thì dựng những thanh gang sắc nhọn. Một khi đụng thuyền giặc thì lấy móc và dây cột liền vào thuyền giặc, rồi phát hỏa đốt thuyền cho cùng cháy với thuyền giặc. Quân ta ra sau mở thuyền con quay về.
Hình 6. Thuyền mẫu tử
______________________________________
1. Gần như thuyền bánh xe của Võ bị chế thắng chí, quyển 13.

Thuyền liên hoàn. Thuyền ước dài 4 trượng, ngoài trông như một thuyền, nhưng chính chia làm hai thuyền, trong có vòng móc liền nhau. Phần trước thì chở các thứ hỏa pháo, thần yên, thần sa. Mũi thuyền thì đóng mấy cái đinh to đầu quặp, đặt súng xoay về trước. Phần sau thì hai bên đặt mấy mái chèo. Hoặc nhân gió thuận, hoặc từ thượng lưu rảo tới dinh giặc, lấy đinh ở mũi thuyền đâm vào thuyền giặc, phần trước tự mở vòng ra để cho phần sau trở về. Nhân lúc quân giặc sợ hãi, dùng khí giới mà đánh. Đó là một chước kỳ trong thủy chiến. 
Hình 7. Thuyền liên hoàn

Vòng là hai cái khuyên sắt đóng vào phần trước và phần sau, dùng móc móc lại với nhau. Khi thuyền đụng vào thuyền giặc thì móc buông ra, để cho phần sau trở về bản trại. 

Bè gỗ. Đốt thuyền địch chẳng gì bằng lửa, phá thuyền địch chẳng gì bằng súng, nhưng súng lớn dùng ở trên thuyền sợ chưa hại được người mà đã hại mình trước, súng miệng to bằng miệng bát trở lên thì không dám bắn. Nay nên chế bè gỗ, không kể bao nhiêu cỗ. Dùng gỗ đều đặn, dọc ngang bằng nhau, gió không thể lật, nước không thể chìm, trên đặt giá gỗ rất bền chắc, lượng tính cao hơn thuyền địch, để ở chỗ hiểm mà bằng phẳng như ở mặt thành, dưới đóng cọc gỗ để ghi dấu, dùng súng nhắm đường giặc đến mà bắn, tính chỗ bắn đến là bao nhiêu bước cũng đóng cọc để ghi dấu. Thuyền chiến phải ở sau bè ngoài 50 bước để phòng. Trên bè phải dùng chăn bông che ở đằng trước. Đun cả 20, 30 cỗ bè bày hàng chữ nhất, thuyền giặc trông xa, không khác gì bức tường thành, không lường được hư thực. Rình xem thuyền giặc hễ sắp vào trong chỗ ván nổi đánh dấu cọc của ta thì bấy giờ bỏ chăn bông rớt xuống, người bên thuyền chạy sang giữ bè cho ngay lại, rồi dùng các thứ súng nhắm chỗ giặc mà lần lượt bắn. cứ 2, 3 cái bè bắn một loạt. Thuyền giặc không thể không bị thương. Có thể chống được, có thể giữ được, đó là phép thủy chiến phải cần. 

Sắc cờ. Mỗi thuyền có một lá cờ to, đều dùng vải đen, một là để tiện thấy ở xa, hai là để hợp với tính nước. Lại dùng vải trắng lấy một chữ của tên trại viết to lên mà đính vào lòng cờ, đều chiếu theo sắc các phương mà chế dải cờ. Mỗi đội phải có một lá cờ dài nhỏ, đều chiếu theo hiệu của thuyền mình mà làm sắc dải cờ. Mỗi thuyền cờ lớn một lá. Tiền ty dùng dải hồng; tả ty dùng dải lam; hữu ty dùng dải trắng; hậu ty dùng dải đen; trung ty dùng dải vàng; trung trung ty dùng hai dải vàng.

Thợ lái. Tính mạng của cả một thuyền quan hệ ở tay người lái. Tất phải lựa chọn những người lớn tuổi, thông thạo, giỏi xem chiều gió, am hiểu thế nước mà sung vào. Lại đặt người phó để phòng sự sơ hở. Lương thì cho khá, có công thì thưởng thêm. 

Lính thủy. Bọn trộm cướp miền biển đều kén dùng được cả. Thứ nữa đến những người thủy thủ có tài, như người đánh cá có thể sáng xuống nước chiều mới lên, ban ngày dùi thuyền địch cho chìm đắm, ban đêm rút dây làm cho quân địch mất hàng ngũ. Thứ nữa đến những người bán muối lậu ở Nam-trực1, người và thuyền đều nhanh nhẹn, tập quen sóng gió, ban đêm ngầm đi, chèo lái như bay, dùng để ra quân kỳ, vào dinh giặc mà trinh thám, đó cũng là một chước hay vậy. Hoặc lặn đi dưới nước lấy sào đụng lưới (như Tư-mã Phúc)2, lặn xuống đáy nước dùi đắm thuyền lương của người Kim (như Lưu Ỷ)3. Tống Trương-vĩnh nhờ nước mà tới thành Sính4.

Phép đánh thủy chiến, liều chết đánh giặc ở trên thuyền, không bằng chế ngầm giặc ở dưới thuyền. Vì chọi sức còn có được thua, chứ dùng kỳ thì giữ được vạn toàn; phá quân của giặc, không bằng phá được thuyền của giặc, mà thu công toàn ở người lặn nước. Người làm tướng nên kén chọn trước, nuôi vỗ cho hậu, luyện tập cho riết, để phòng bất thần dùng đến. Một hồ nước ở giữa dòng đáng giá nghìn vàng là thế đó. 

Mui buồm. Việc chế tạo trong thủy chiến, không gì trọng yếu bằng mui và buồm. Một khi mui buồm thấm phải thuốc súng thì tính mệnh ba quân cũng chẳng còn. Phải dùng “tấn thạch phong”(?) sấy khô hòa thành nước, rồi đem các thức tre lá, dây thừng, gai vải mà tẩm vào, phơi khô rồi lại tẩm, kỳ cho thật thấu, rồi dùng để đan dệt làm mui và buồm, viết to bốn chữ phi long thiên binh làm hiệu, thế thì các loại tên lửa, cầu lửa đều không thể phạm vào. Quân ta giữ được không lo, có thể tiến đánh được giặc. 
_______________________________________
1. Các tỉnh Quảng-nam, Quảng-ngãi.
2. Lấy sào đụng lưới: Tư-mã Phúc là thủy binh nước Việt thời Xuân thu. Trần Chương (tướng Ngô) vây Tô-châu, làm rào phên dưới nước, quanh bọc lấy thành, chăng lưới dưới nước trên đầu lưới đeo cái chuông con để chắn những kẻ lặn dưới nước. Phúc tài lội nước, trước hãy lấy cần tre động vào lưới, quân lính thấy tiếng chuông kêu, cất lưới lên, Phúc nhân lúc cất lưới lên, lặn vào thành, trong ngoài đánh ập vào.
3. Đục thuyền lương của người Kim: Đời Tống Cao-tôn, Kim chúa là Lượng đem 60 vạn quân sang đánh Tống, người Kim lấy chăn chiến bọc thuyền chở lương đến. Lưu Ỷ sai người lặn xuống nước đục thủng thuyền cho thuyền chìm.
4. Thành cũ của Sính huyện thuộc huyện Giang-lăng tỉnh Hồ-bắc ngày nay.



*
*   *

Áo lội nước. Phép làm giáp trụ đối với thủy chiến rất cần. Nền dùng lụa nhỏ lót trong; vỏ bầu làm giáp ở ngoài kết như vảy cá, trước dùng nước phèn mà tẩm phơi khô để dùng; hoặc dùng lông ngan lông ngỗng, kết dày vào làm áo giáp, để nổi trên mặt nước mà đi, cưỡi sóng rẽ gió, nước không thể nào chìm đắm được. 

Sách Võ kinh có những cách dùng túi da dê và chum nổi. 

Phép giữ dái, giữ gót chân. Dùng gáo dừa và quả bầu sơn đen để giữ bìu dái, dùng dây lụa buộc vào lưng; dùng lụa sơn đen bọc gót chân. Vì là bìu dái và huyệt dũng tuyền ở đáy gót chân hễ vào nước thì đỏ như lửa, loài cá ác và thủy thú trông thấy sáng thì đến làm hại tính mệnh; che bịt lại thì không sáng rõ ra, sẽ khỏi hại, đó cũng là việc thủy chiến phải nên phòng bị. 

Ngựa nước. Dùng mây đan một con ngựa nước, lưng dáng như cái đấu, dưới có bốn chân, đặt ngang trên mặt nước, đầu cao một thước để ngăn sóng đằng trước, đuôi cao một thước để ngăn sóng đằng sau. Ở giữa thì rỗng, ngoài dùng vải bọc và sơn cho bền. Xỏ một cái dây cương để người cưỡi ở trên tiện sai khiến; ở ngoài đầu ngựa thì để một đoạn rỗng để chứa lương khô, có thế thì người đều được mạnh gan. Ngựa nước không nặng, trong thuyền dễ chở. Lại dùng bông để bọc, trên lấy mảnh vỏ bầu làm giáp. Bầu dùng để nổi; bông dùng để xuống nước có thể chống được tên đạn. Ở bên thì gác một cài chèo bằng gỗ cứng, đầu dùng sắt làm đao, có thể làm chiến cụ, trong cán chèo gỗ ấy để một con dao nhỏ phòng khi cần dùng, tuy thuyền có bị chìm mà rơi xuống nước cũng còn có thể đánh được. Ngựa nước này cũng dùng như cái phao ngày nay, không sợ chết đuối. Nước Nam ta dùng quân thủy chiến, thường lấy mây đan cái phao, khúc giữa nhỏ mà đầu đuôi lớn, sơn đen, trong rỗng, để sẵn trong thuyền phòng khi chìm đắm, tục gọi là quả nổi, nhưng không hay bằng ngựa nước này. 

Dầu đá. Tỉnh Tứ-xuyên có dầu đá1, nếu lấy dầu đá hòa thuốc tạo thành những cục thuốc tthì có thể cháy trong nước mà không tắt. 
____________________________________
1. Tức là dầu hỏa.

Quạ già nước. Xưa giặc cỏ là bọn Lưu Thất đậu thuyền ở núi Lạng-sơn. người ở châu Tô dâng kế dùng hỏa công gọi là quạ già nước, để thuốc và lửa vào súng mà xuống nước bắn. Lại chế một thứ bình mỏ quạ, cầm mà lặn xuống nước, dùng mỏ dùi thuyền mà có máy cho nó tự vận chuyển để dùi cho thuyền chìm. Đã dùng thử phá được một thuyền, giặc sợ bảo là thần binh ở Giang-nam có thể lặn nước mà phá thuyền, phải bỏ thuyền lên bờ, bèn bị quân đồn thú đuổi bắt. 

Hỏa công. Đại phàm thủy chiến thường chuyên dùng hỏa công. Xưa Tào Tháo đánh Ngô Chu Du và Lưu Bị, gặp nhau ở Xích-bích. Tướng Chu Du là Hoàng Cái lấy thuyền mông xung mười chiếc chở lau và củi khô, rưới dầu vào, che bằng màn trướng, dựng cờ xí, dự bị đầy đủ thuyền nhỏ buộc ở sau. Bấy giờ gió đông nam thổi mạnh. Cái cho mười chiếc thuyền ấy chạy ra giữa sông, giương buồm lên, chạy thẳng đến Xích-bích, các thuyền nhất tề đốt lửa, thuận gió tràn vào thủy trại của Tháo. Cùng với thủy trại, dinh trại trên bờ đều cháy, khói lửa rực trời. Bọn Du đem quân khinh kỵ tiếp sau. Tháo thua chạy trốn. 

Lại Trần Hữu-lượng vây Nam-xương, bọn Du Thông-hải tự phía tây đến viện. Hữu-lượng ra hồ Bà-dương để đón đánh. Thông-hải nhân gió, cho cho bảy chiến thuyền chở cỏ và thuốc súng xông vào trại nước của địch, đốt chiến hạm mấy chục chiếc bắt được Hữu-nhân và Hữu-quý. Bấy giờ thuyền vào sâu trong trại địch mà hăng đánh, ngờ là đã mất ở trong lúc đánh nhau, phút chốc phơi phới quanh ra ở bên thuyền địch, quân ta trông thấy cả mừng, nhảy la sấn tới. Quân địch cả thua. 

Âu dương Ngột giữ Lĩnh-nam làm phản, tướng Trần là Chương Chiêu-đạt đánh. Ngột nghe tin, ra đóng ở Nhai-khẩu, chứa nhiều cát đá vào lồng tre, đặt ở ngoài rào phên để chặn thuyền ghe. Chiêu-đạt sai quân ngậm dao lặn xuống nước để chặt lồng, những khung lồng đều tung ra hết, nhân đó thuyền lớn nối đến, theo dòng nước mà đánh. Cuối cùng giặc thua. 

Hàn Thế-trung nhà Tống chống nhau với quân Ngột-truật nước Kim. Hoàng Thiên-đãng và Thế-trung dùng thuyền biển đi theo thuyền địch đậu ở dưới núi Kim-sơn. Ngột-truật thấy thuyền biển nhân gió đi lại như bay, nói rằng quân Nam điều khiển thuyền như điều khiển ngựa thì làm sao được. Một người hiến chước: Đất Mân1 có người họ Vương dạy cách chở đất vào thuyền, dùng ván mà ngăn, bên thuyền buộc chèo, đợi gió im thì ra biển; thuyền biển không gió thì không động được, sẽ lấy tên lửa bắn vào mui thì không đánh địch cũng vỡ. Ngột-truật khen phải. Trời tạnh gió im. Ngột-truật ngồi thuyền nhỏ ra sông. Thế-trung chặn dòng mà đánh. thuyền biển không có gió thì không động được. Ngột-truật sai người bắn giỏi ngồi thuyền nhẹ dùng tên lửa bắn. Khói bốc mù trời. Quân Tống cả thua. 

Thủy chiến kiêm dùng lục quân. Thủy chiến lấy thuận gió làm thế, lấy trên dòng làm thế, lại mưu cắt nước, mưu vượt nước. Xưa nước Tấn đánh nước Ngô, chiếu cho Vương Tuấn làm thuyền ghe. Người Ngô làm xích sắt ngăn sông và làm dùi sắp đặt ngầm ở lòng sông. Tuấn biết tình trạng ấy, bèn làm mấy chục cái bè lớn, vuông hơn một trăm bước, buộc cỏ làm người, sai người giỏi lội đem bè đi trước, dùi sắt bèn vướng bè mà bị kéo đi. Lại làm bó đuốc lớn, dài hơn mười trượng, vòng vài chục ôm, tưới dầu vừng để ở trước thuyền, gặp dây xích thì lấy đuốc đốt cho cháy đứt, thuận gió khua chèo, ra tới núi Tam-sơn. 
__________________________________
1. Tỉnh Phúc-kiến.

Lương Giá-hoàn đánh thành Đức-thắng nam1 của nhà Tấn, trăm đạo quân đều tiến, dùng chạc tre buộc liền hơn chục chiếc thuyền mông xung với nhau, căng che bằng da trâu, rồi đặt khung giá, dáng như cái thành chắn ngang dòng sông để ngăn cứu binh của Tấn, không cho sang sông. Vua Tấn tự dẫn quân đến cứu, bày trận ở bờ bắc mà không tiến được, bèn chứa vàng lụa ở trong quân để mộ người phá thuyền mông xung. Có tướng là Lý Kiến xin liều chết để phá, chọn lấy quân cảm tử 300 người, mặc giáp cầm búa, ngồi thuyền mà tiến. Khi sắp đến thuyền mông xung thì bị tên bắn như mưa. Kiến bèn sai những người cầm búa xông vào thuyền mông xung, lấy búa chém chạc tre; lại dùng chum đan chở củi tẩm dầu đốt lửa cho tự thượng lưu kế tới, theo sau thì lấy thuyền lớn chứa đầy chiến sĩ, khua trống reo hò mà đánh. Thuyền mông xung đã đứt rồi, cháy mà theo dòng trôi xuống. Quân Lương bị chết cháy và chết đuối tới gần nửa. Hoàn giải vây chạy. 

Hoàn Hộ-chi nhà Tống làm thái thú Chung-ly2, theo Vương Huyền-mô đánh Hoạt-thành3. Hộ-chi đem trăm chiếc thuyền làm tiền phong, tiến giữ Thạch-tế4. Quân cứu của Ngụy sắp đến, chạy thư khuyên Huyền-mô kíp đánh. Huyền-mô không theo. Huyền-mô thua mà lùi, không rỗi báo cho Hộ-chi biết. Quân Ngụy lấy ba lớp xích sắt chặn ngang sông, cắt đường về của Hộ-chi. Nước sông đương rút xuống mau. Hộ-chi theo giữa dòng mà xuống, mỗi khi đến chỗ xích sắt thì dùng búa dài cán mà chém đứt, người Ngụy không dám đến gần, nên chỉ mất một chiếc thuyền thôi, thuyền khác đều còn cả. 
Hình 8. Thuyền mông xung

Tướng Trần là Ngô Minh-triệt đóng quân ở Lữ-lương5. Tổng quản Từ-châu nhà Chu là Lương Sĩ Ngạn đánh mãi không thắng. Minh-triệt đắp đập nước ở sông Thanh-thủy cho nước về thành, rồi bày chiến thuyền ở dưới thành. Vương Quỹ làm hành quân tổng quản đem quân tới cứu, dẫn quân đi tắt giữa cửa Hoài-khẩu, sai Đạt Hề và Trường Nho lấy nhiều khóa sắt lớn nhỏ xỏ suốt qua bánh xe buộc vào đá lớn mà bỏ chìm xuống sông Thanh-thủy, cắt ngang đường về của thuyền Trần. Minh-triệt phá đập mà vội vàng lui, định nhân nước lớn mà vào Hoài-bắc, nhưng đến Thanh-thủy thì dòng sông đã rộng, thế nước cũng kém, thuyền vướng bánh xe không qua được. Quỹ nhân đem binh kỳ ra, thủy lục cùng tiến mau, vây mà đánh ngay. Tướng sĩ hai vạn người và khí giới xe lương của Trần đều bị bắt cả. 

Phàn Nhược-thủy tính bề sông rộng hay hẹp, đến thành Biện6 dâng thư xin đóng cầu phao để chở quân, cầu xong, quân Tống sang sông như đi trên đất bằng. Đời sau làm cầu phao để sang quân là bắt chước từ đó. 
_______________________________________
1. Ở tỉnh Trực-lệ.
2. Quận Chung-ly do nhà Tấn đặt, quận trị xưa ở huyện Thượng-dương tỉnh An-huy ngày nay.
3. Tức là kinh đô của nước Nam Yên thời Tấn; ở Hoạt-huyện tỉnh Hà-nam, cũng gọi là Hoạt-đài thành.
4. Thuộc tỉnh Hà-nam.
5. Thuộc tỉnh Giang-tô.
6. Tức là Biện-kinh, đất huyện Khai-phong tỉnh Hà-nam, kinh đô của nhà Tống.



*
*   *

Sách Yên thủy thần kinh:
 
Phép đi gặp khe. Phàm khi gặp khe bị nước không thể sang được, thì tìm nơi tiện, lấy dây buộc tre làm đò mà sang, đó là phép gặp khe vậy. 

Phép thuận gió. Phàm gặp thuận gió thì binh chính cứ thắng tiến, binh kỳ ở bên. Ở hạ lưu hẳn là địch dùng dây chạc để chắn ngang. Nếu dùng hỏa công mà phóng xuống thì rất hiệu. 

Phép ngược gió. Phàm gặp ngược gió thì chia làm ba quân: một quân làm binh chính, một quần làm binh kỳ để tiếp binh chinh, một quân thì lên bờ kênh mà bắn để chống binh kỳ của địch, thế là để tránh đầu gió. 

Phép gặp sóng gió. Phàm đi gặp sóng, thì tùy theo chiều gió mà tiến lên; thậm quá thì bỏ mui trên đi, như thế thì đánh là phải thắng. 

Phép bị nước cạn. Phàm bị nước cạn ở trong kênh thì đắp bờ chia kênh ra làm hai chi, làm cho một chi nước và một chi cạn, rồi theo cửa mà vượt sang.


*
*   *

Sách Võ kinh:
 
Hỏi: Gặp địch ở nơi nước lớn, trong chốc lát xe cộ ngựa thuyền chưa biện được, tiến thoái không được thì làm thế nào?1 - Trả lời: Đây là thủy chiến, không dùng xe và ngựa, nên để lại bên, lên cao trông cả bốn phương, biết được tình hình nước rộng hẹp sâu nông mới có thể dùng kỳ sách mà đánh. Nếu địch vượt nước mà tới thì để nó sang nửa chừng mà đánh. Đó là phép thủy chiến vậy. 

Hỏi: Đằng trước có nước to, quân ta muốn sang mà không có sẵn thuyền ghe, quân địch lấp mất đường về của ta, quân xích hậu của nó canh luôn, những nơi hiểm trở bị giữ hết, quân dũng sĩ thì đánh ở trước sau, ta làm thế nào? - Trả lời: Thế thì phải chia quân làm ba xứ, sai tiền quân làm hào sâu luỹ cao, để tỏ là cố giữ, sai hậu quân dự chứa lương thực nhiều khiến nó không biết được ý ta, rồi cho nhuệ sĩ của ta đánh úp ở giữa, đánh lúc không ngờ, đánh chỗ không phòng, không cách nào diệu bằng thế. Nếu địch hiểu được tình ta, biết được việc ta, mai phục ở nơi cỏ rậm để đánh vào chỗ tiện của ta, thì khiến tiền quân khiêu chiến cho nó nhọc lòng, khi ở tả, khi ở hữu, nó không biết lối nào mà giữ, phải sợ, rồi ba quân đánh gấp thì địch hẳn thua. Đó là phép đột vi2 vậy.

Hỏi: Vào sâu đất địch, cùng địch chống nhau mà bị trời mưa dầm hàng tuần không thôi, hào rãnh tất sụt lở, canh phòng tất trễ nải, ba quân không phòng bị, quân địch đêm đến, trên dưới đều loạn, ta liệu cách làm thế nào? - Trả lời: Phàm ba quân phải lấy răn giữ làm bền, lấy lười biếng làm thua. Nếu trời mưa dầm, nên sai quân ta đặt xích hậu ở xa, trong ngoài trông nhau, dặn dò ước hẹn, nếu địch đêm đến thì hoặc cho quân nhuệ sĩ ra đánh. Nếu địch biết ta giữ mà phục quân rồi giả cách chạy để đánh tiền quân ta, thì ta chia làm ba quân theo mà đánh, đừng theo chỗ phục của nó, có thể đánh cả trước sau, hoặc hãm cả hai bên; phát rõ hiệu lệnh mà đánh gấp. Quân địch hẳn thua.
_______________________________________
1. Xem Võ kinh trực giải.
2. Đột vi: Xông phá vòng vây.



*
*   *

Sách Võ bị chế thắng chí1

Phàm đánh thủy chiến tất phải tranh chiếm lấy đầu nước đầu gió để dùng hỏa công. Như ở dưới nước và dưới gió mà ta lo bền giữ, thì hoặc dùng cầu phao xích sắt để chặn đường, hoặc lui vào đường ngã ba sông để tránh, hoặc tìm con đường khác để vượt lên thượng lưu, hoặc không có ngã ba sông thì phải đánh ở trên bờ là hơn. 

Hổ kiềm kinh nói: Binh pháp bảo dùng nước giúp việc đánh thì mạnh. Khéo dùng nước có bốn cách: l) nhân; 2) nghịch; 3) tặc; 4) tuyệt. 

Nhân nước thì có hai cách dùng: hoặc địch chặn giữa dòng mà làm rào phên thì ta ở trên dòng, nhân gió thuận, đua chèo mà phóng lửa, thuận gió xông xuống. Rào phên vỡ rồi mà gặp gió chuyển thì dừng lại. Nếu địch ở dưới mà quân và ngựa nhờ nước ấy, thì ta ở thượng lưu có thể đánh thuốc độc được. Đó là hai cách nhân vậy. 

Dùng nghịch thủy là: Phải làm đê cao để chắn ở dưới, cho nước chứa đầy ở trong, rồi dẫn mà giội xuống. Thế gọi là dùng nghịch thủy. 

Dùng tặc thủy là: Nếu địch nhờ nước thì nên ngầm dùng nước để đánh, biết được địa lý, ngầm làm mương mà dẫn nước chảy đi nơi khác, giặc hết nước để nhờ. Thế gọi là tặc thủy. 

Dùng tuyệt thủy là: Hoặc lấy củi lấp ở trên, đem đá chứa đầy thuyền đánh chìm ở trên, rồi làm mương dài cho nước chảy đi, hoặc làm túi cát chất ở thượng lưu để chặn nước. Khi muốn có nước thì phá túi cát đi. Thế gọi là tuyệt thủy. 

Phép dùng nước, có đất không thể dùng được mà dùng thì trái lại bị hại, thuận thì lợi.
_____________________________________
1. Xem Võ bị chế thắng chí, quyển 13.

Phàm thủy chiến, lấy thuyền tàu lớn nhỏ làm bậc. Chở được người nhiều ít đều lấy gạo làm chuẩn. Một người chẳng qua nặng bằng 2 thạch gạo. Buồm chèo tiện nhẹ thì hơn. Lấy chiêng trống cờ xí làm nhịp tiến lui. Thuyền chiến thì có lâu thuyền, đấu hạm, tẩu kha, hải cốt. Thuyền ngầm úp thì có mông xung, du đĩnh. Khí cụ thì có phách can1, dùng rất có lợi, thuận dòng mà đánh. Các quân nhìn vào cờ của đại tướng ở đằng trước. Nghe trống thì tiến, cờ dựng lên; nghe chiêng thì dừng, cờ cuộn lại thì về. 
Hình 9. Lâu thuyền

Nếu các thuyền tiên phong du dịch bị giặc vây mà cần có ngoại viện, thì hễ thấy cờ đỏ của đại tướng quân hướng vào giặc mà điểm thì tiến. Mỗi một điểm thì một thuyền tiến lên. Cờ đằng trước không dựng nữa là thuyền chiến rút lui; cờ hướng vào trong mà điểm, mỗi điểm thì một thuyền lui. 
Hình 10. Đấu thuyền

Nếu trương nghi binh, thì ở cửa sông vàm sông phải rộng đặt cờ xí buồm lèo để đánh lừa. Đó là nói đại lược vậy2
Hình 11. Tẩu kha

Thuyền mông xung dùng da trâu phủ lên lưng thuyền, tả hữu mở lỗ để luồn chèo, tên đạn không thể nào làm thủng. Trước sau tả hữu đều có lỗ bắn nỏ và lỗ đâm giáo, địch tới gần thì bắn. Không dùng thuyền to, chỉ cần nhanh chóng để thừa lúc người ta không đề phòng.
Hình 12. Hải cốt

Thuyền tẩu kha là thuyền ở trên sạp có làm nữ tường, có nhiều phu chèo, quân chiến đều kén người dũng lực tinh nhuệ sung vào, đi lại như bay, thừa lúc người ta không theo kịp. Chiêng trống cờ xí đặt ở trên. 
Hình 13. Du đĩnh
______________________________________
1. Cây sào để đập.
2. Xem thêm Võ bị tổng yếu, Tiền tập; quyển II.


Thuyền khai lãng của Thích Kế-quang, vì đầu nhọn mà đặt tên. Thuyền ấy ăn nước chừng 3, 4 thước; bốn cái chèo, một cái chèo lái; hình như chim bay; trong có thể dùng 30 hay 50 người; không kỳ nước thuận hay nghịch.

Hình 14. Thuyền khai lãng

Thuyền chài ở trong các loại thuyền là loại rất nhỏ, gỗ làm rất giản, công làm rất nhẹ, mà dùng thì rất hay. Sao vậy? Vì nó ra biển, mỗi cái chở 3 người, một người cầm buồm vải, một người cầm chèo, một người cầm súng mỏ chim, buồm vải nhẹ nhàng, không lo chìm đắm, dễ tiến dễ thoái, theo làn sóng mà lên xuống, thuyền địch vời trông không kịp, cho nên đi biển có lợi lắm, bắt được giặc phần nhiều nhờ sức nó. Thuyền này, ở miền duyên hải một dải Định-hải, Lâm-quan, Tượng-sơn đều có cả. Hình như cái thoi, cột buồm tre, cánh buồm vải, có thể dùng được 2 người. Xông gió cưỡi sóng, chuyên ra đại dương. Có khi vào núi1 lấy thóc, hái củi, dỡ khoai và đánh cá, thuyền đến chân núi, 2, 3 người khiêng thuyền để trên ghềnh bãi để lánh sông gió. Nếu muốn trở về tây thì khiêng thuyền xuống nước. Không thể chống được địch, nhưng có thể dùng để tuần dò. Đó là loại thuyền chài nhỏ nhất. 

Hình 15. Thuyền đánh cá
_______________________________________
1. Các đảo ngoài biển.


*
*   *

ĐỒ DÙNG TRÊN THUYỀN1 

Thùng gỗ. Một chiếc thùng gỗ đựng thuốc thô hoãn2 5 cân, bát sành thô dày một chiếc, than gỗ thực dụng 2 lạng, phòng đốt làu tiêu hao 2 lạng, thuốc súng cũ, đổ cả xuống thuyền giặc, đó vốn là chước hay. Nhưng lại phải dùng đồ hỏa khí khác hay than lửa mà ném vào để cho cháy thuốc. Ví trong chốc lát thuyền phải dời đi, người ta thường ném lửa vào trong nước, hoặc là bị giặc đuổi mà lửa chưa kịp ném hoặc lỡ dội nước vào ướt thuốc lửa không cháy được, như thế đều là chưa trúng khớp cả. Duy có đồ hỏa khí và thuốc súng cùng ném một lúc, không trước không sau, là có thể làm cho nổ được muôn dùng muôn trúng.

Hình 16. Thùng lửa

Cái câu liêm. Trong thuyền hoặc để cắt dây lèo, hoặc để móc thuyền, hoặc để cắt dây. thừng ở sàn, không thiếu được. Nên dùng cán tre dài mà nhẹ, lưỡi cong mà sắc (cán dài 1 trượng 5 thước, lưỡi rộng 1 tấc).

Hình 17. Câu liêm

Cái móc treo. Thuyền ta muốn đánh đắm thuyền giặc thì dùng cái này; hoặc móc thuyền lại không cho đi, hoặc móc dây lèo buộc vào sàn, trong thuyền không thể thiếu được. Nên làm móc cho to, chân cho bền, vài mươi người kéo hay móc hàng muôn cân mà không oằn thì mới tốt. Cán móc phải dài, tay cầm khó móc cho đúng được, nên dùng 3 móc một cán, móc thì mắc ngay (dài 1 trượng 5 thước, ba móc một cán)

Hình 18. Móc treo ba móc một cán.

Lưới cá. Vặt này phàm lâu thuyền và thuyền có nữ tường thì không dùng; thuyền ván không có nữ tường thì dùng; đặt theo ở ngoài thuyền hai bên tả hữu để phòng quân giặc nhảy vào. Nếu có mấy tầng cho dày thì cũng có thể phòng tên và mũi thương, duy súng thì không thể ngăn được. Dọc thuyền không thể dùng ván gỗ cho nên phải dùng vật này. Như chỉ có 2, 3 tầng thì thế mỏng thưa, khó bề che chở, chẳng thà không có. Các chiến thuyền phần nhiều nhờ nó. Thuyền có nữ tường cũng treo vài bức, nhưng chỉ làm hư văn, không đủ trông cậy.
_______________________________________
1. Vẫn trích Võ bị chế thắng chí.
2. Tức thuốc súng nổ chậm.



*
*   *


Qua nước1

Phàm đến đất lạ phương xa, thế nước hiểm ác và có các loài thuồng luồng thủy quái, quân lính sang qua thì nên trước được người hướng đạo mà hỏi dò, để phòng liệu trước. 

Phàm sắp sang sông, trước phải bày hàng ở bốn mặt trên bờ, rồi sai người leo cao trông xa, cho quân kỵ đi dò xét, đề phòng giặc đánh úp, sau mới chia ra từng đội mà sang. 

Phàm sang sông, chiến đội phải lên bờ trước, kềm ngựa làm trận vuông, cũng sai người lên cao trông xa như trước.

Phàm gặp khe ngòi nhỏ, có thể chặt cày cành bên nước lấy dây mây buộc lại thành bó, đẩy đặt vào trong nước, khiến trước sau chất chứa và kéo nhau, có thể sang được. 

Bè sậy. Bè sậy, lấy cây sậy bó to vòng 9 thước, tráo trở đầu đuôi làm mười bó,. buộc lại như bó giáo, tính chiều dài ngắn mà làm; không có sậy thì dùng lau cũng có thể nối mà sang được.

Hình 19. Bè sậy
________________________________________
1. Vẫn xem Võ bị chế thắng chí.

Dây bay. Dây bay, mộ những người giỏi lội nước, mình bơi trên nước buộc dây vào lưng, lội trước sang sông mà kéo dây to qua, hai bên bờ dựng cột lớn buộc chắc dây vào đó; khiến người kẹp dây vào nách mà lội qua, khí giới thì đội trên đầu. Như đại quân thì có thể làm vài mươi cái mà sang. 

Hình 20. Dây bay

Túi phao. Túi nổi là lột cả da một con dê, thổi hơi cho nó phòng lên, rồi thắt kỹ lại, buộc vào bên nách để lội qua sông. 

Hình 21. Túi phao


Bè chum. Buộc chum lại làm thành cái bè, mỗi chum đựng 2 thạch thì sức đỡ được một người, các chum cách nhau 5 tấc, dưới buộc móc với nhau, kết thương ở trên, hình dài mà vuông, đàng trước đặt ván, đàng sau đặt giáo dài, hai bên tả hữu đặt chèo. 

Hình 22. Bè chum

Bè giáo. Bè giáo, dùng giáo, mười cây làm một bó, sức vừa mang một người, lấy 5.000 cây làm suất, làm một cái bè; giáo làm thì rút lưỡi ra, tráo trở xếp ngang xếp dọc mà buộc lại, có thể chở độ 500 người; hoặc tả hữu đều buộc 20 cái túi nổi. Trước sai người giỏi lội nước bơi sang bờ kia dựng cột to, buộc hai sợi dây lớn ở hai bên bờ, để giáp trên bè, trên dây lớn lấy vòng gỗ hay vòng dây luồn vào, lấy dây buộc vào bè; đầu bè thì buộc dây khiến người ở trên bờ kéo, lấy dây lớn giữ lại để khỏi bị trôi giạt. 
Hình 23. Bè giáo

*
*   *

Sách Thúy vi bắc chính lục:
 
Phép cấm lội ở sông hồ, không phải một cách mà đủ đâu. Sợ nông mà quân bộ kỵ có thể lội được, thì ta dùng sắt cong làm móc, buộc vào dây để kéo, gọi là tu câu1 đụng phải là bị tử thương; dùng sắt thẳng để làm chông cắm ở dưới nước, gọi là thiệp châm2, đi qua đụng phải hẳn bị tàn diệt; bện tre làm dây mà kết gai vào, gọi là thủy mao vị3, để dùi vào da thịt của người lội qua; chắn nước bằng cái trục cắm đinh sắt vào, gọi là thủy phát lê4, để đâm vào đùi vế người lính thủy; đan tre làm nơm cắm ở nơi bùn lầy, gọi là dịch thuyên5, để làm đau bàn chân những người lội nước; chôn gỗ làm cựa đặt ở chỗ cát nông, gọi là kê cự6, để đâm vào gót chân người ta. Phàm sáu cách ấy dù có thác ghềnh, giặc cũng không có thể lội vào bờ cõi ta được! Sợ nước sâu mà thuyền lái có thể sang, thì ta cắm móc sắt ở trên phao nổi, gọi là phù câu7, gặp thuyền giặc thì đâm vào đáy có thể làm cho chìm; quăng chạc và lưới ở giữa dòng sông gọi là cự lỗ8, gặp thuyền giặc thì có thể quấn lầy mái chèo, hay là lấy bông xơ, lấy rơm rạ để cho quấn vào bánh lái thuyền, như thế thì chèo lái cũng khó; cắt dây leo, cắt dây mây mà bỏ cho thuyền giặc vướng không chèo được; bằng như thế nước chảy mạnh, thì dựng những cây sắc nhọn, khiến cho thuyền giặc không đục cũng vỡ; thế nước êm nhẹ, thì dựng dùi gối cong9, mà khiến ván thuyền không dùi cũng thủng; đặt dây kéo ở đáy nước, khiến thuyền giặc gặp phải thì thước tấc không thể dời đi, nhà binh gọi là thần kéo; thả dây ở nơi nước xoáy, khiến thuyền giặc qua đó bị vướng mà xoay chuyển nghìn vòng, nhà binh gọi là quỷ xoay. Phàm mười điều ấy, dù có thuyền ghe, giặc khó có thể đổ bộ lên bờ bến ta được. Sợ quân giặc có chum nổi phao nổi để đánh úp bờ bến ta, thì ta chế tre chế gỗ ở nơi ghềnh thác khiến giặc không thể dùng được. Sợ giặc làm cầu bay cầu phao để vượt đường sông của ta, thì ta tạo bài lửa, bè húc ở giữa dòng nước xiết khiến giặc không thể thi hành được. Sợ giặc buộc lau bó lách để sang sông, thì ta chặt gỗ làm “tra thủ mộc”10, dùi gỗ làm “tạo dác mộc”11 đặt ở chỗ sang nửa chừng, mà khiến cho vật giặc dùng không thể đi được. Sợ nó lần dây kết sào để sang thì ta ngáng gỗ để ngăn sông, kết gỗ để triệt sông, đặt vào lúc chưa sang, để khiến khí cụ của nó không thể đến được. Sợ bờ ta dễ lên thì ta dựng “phục ngưu giao mã”12 khiến thuyền giặc gần bờ mà không thể bước xuống được. Sợ ngòi hào của ta dễ thông, thì ta đóng cọc ngầm, khiến thuyền giặc không thể lướt qua mà thuận dòng được. Sợ thuyền giặc thừa gió mà tiến, thì ta ngáng gió chắn nước làm cho buồm giặc chịu chết. Sợ thuyền giặc kéo dây mà đến, thì ta có những sào ngáng cây chống để ngăn dây không thể qua. Thượng lưu cao mà hạ lưu thấp, thì ta chiếm lấy thượng lưu, đắp kè đập để đổ nước xuống quân địch. Thế địch rộng mà thế ta hẹp thì ta nhân thế hẹp mà đắp túi cát cho mất lối đi. Địch đến sát bờ thì ta làm bốn dây phiên xa13 để đánh vỡ thuyền. Quân địch lên bờ thì ta một mặt đánh ngầm để chộp quân nó. 

Những cái lợi như thế cũng chẳng hay ư? Nhưng thắng là ở chỗ địch chưa kịp biết, mà bại là ở chỗ ta không giữ được bí mật. Sự cơ không cùng, nếu không giữ được bí mật, thì cái ta dùng để hại địch, địch lại lợi dụng được để hại ta. Công-tôn Thuật chống Sầm Bành, Thuật làm cầu phao và dây móc để chống dây thuyền của Bành, xem mẹo thì dáng như được đấy. Nhưng Bành biết trước, phóng lửa đốt cầu và dây móc nên quân Thuật phải thua. Thường Chiếu-đạt đánh Lĩnh-nam, giặc đan lồng tre đựng cát đá để chống thuyền ghe của Chiếu-đạt, trí không phải là không khéo đâu. Không ngờ Chiếu-đạt biết trước, sai quân sĩ cầm dao chém lồng nên quân địch phải vỡ. Người Ngô chống Tấn, có thể bảo là đắc sách, nhưng thuật dùng xích sắt ngăn thuyền bị lộ, mà không khỏi Vương Tuấn dùng bè lớn chất lửa đốt cháy. Đó đều là thua vì tiết lộ cả, cho nên cần phải bí mật. 
______________________________________
1. Móc râu, tức chùm móc.
2. Chông lội.
3. Con nhím nước.
4. Cày do nước đẩy.
5. Cái nơm nhảy.
6. Cựa gà.
7. Móc nổi.
8. Chống mái chèo.
9. Dùi gối cong, túc là cái dùi làm hình cong như đầu gối bẻ cong.
10. Không rõ là cái gì.
11. Tức gỗ gai bồ kết.
12. Không rõ khí cụ gì làm theo hình tượng trâu và ngựa.
13. Không rõ thể chế thế nào.