Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Binh thư yếu lược


IX – HIỆU LỆNH

Nghiêm. Hiệu lệnh mỗi khi phát ra, ba quân run sợ. Nghe trống thì tiến lên; nghe chiêng thì dừng lại; nghe súng thì đứng dậy; nghe kiểng thì đi ăn; nghe thanh la thì hăng lên; vẫy cờ thì chạy; mưa không tránh vào nhà; nóng không cởi áo giáp; nhọc không được bỏ khí giới; thấy khó không lùi; gặp lợi không lấy; hãm thành không giết càn; có công không được khoe khoang; đi nhanh không nghe tiếng; địch xung mà không động; địch chấn mà không kinh; bị úp mà không chạy; bị cắt mà không chia. Thế mới là nghiêm.

Tài miệng lưỡi. Thánh hiền lấy không có tài miệng lưỡi mà miễn lỗi. Binh pháp lại lấy tài miệng lưỡi làm có công. Cho nên người giỏi dùng binh lừa dối cũng làm, phải trái dùng tài, có khi phạm đến việc trời, có khi phạm đến tục cấm, có khi giả làm quỷ thần, có khi thác làm mộng mị, có khi đưa vật kì quái, có khi đặt lời sấm dao1, cử động mỗi khi mỗi khác, tiếng nói tùy lúc trái nhau, cổ lệ lòng quân, đập tan khí giặc, khiến người không thể lường được; khi thì cấm làm càn, rồi lại dùng làm càn, bởi vì lời nói càn dối, về việc chính đáng thì không đủ cậy, mà về sự giả thác thì lại có thừa.

Con gái. Đại tướng đời xưa, đôi khi có nhờ con gái. Gái dùng về văn để cho giặc vui thích chơi đùa; gái dùng về võ để tiến đánh, ruổi xe, giải nguy, gỡ nạn, dùng cơ ứng biến, đều có lợi cả.

Văn. Võ cố nhiên chỉ bàn về dũng. Nhưng tờ văn tờ hịch, có khi nhân một lời mà nước phục quân hàng. Sĩ tốt có hơi biết chữ thì cưỡi ngựa ngâm thơ, đi đường hát lái. Điều lệ cấm lệnh, khi rỗi thì khiến học tập cho quen, hiểu rõ được nghĩa, làm nhà binh quân tử sư nho2 thì cũng không hại gì.
______________________________
1. Lời ca dao đồng dao có điềm tốt xấu về tương lai.
2. Nghĩa là người quân nhân mà biết chữ thông văn thì cũng không hại gì.



*
*   *

Người ta do lòng mà định lời nói, định lời nói để phát ra lệnh. Cho nên cần phải cổ vũ lòng hùng dũng, nói ra lời cứng rắn, mài sắc lòng sắt đá, nghiêm giữ khí phong sương, phát ra hiệu lệnh, nêu rõ phép quân.

Trước 3 ngày treo lệnh ở cửa quân(Treo mệnh lệnh trước 3 ngày rồi mới thi hành, để cho mọi người đều biết), sai quân chính đánh mảnh gỗ đi tuyên bố ở trong sáu quân. Ai phạm lệnh thì sai quân chính theo lệnh tập họp quân nhân, rồi sau mới hành hình, khiến cho sáu quân đều biết cả.

Đại tướng đã chịu mệnh, nắm giữ quyền đánh dẹp, khao quân ở đồng nội, rồi mới xuống lệnh. Ai không theo lệnh thì giết. Phàm nghe trống mà không tiến, nghe chiêng mà không dừng, cờ cất mà không đứng dậy, cờ hạ mà không phục xuống, thế gọi là quân trái; như thế thì chém.

Gọi tên không thưa, vời mà không đến, đi về trái hẹn, hành động trái luật, thế gọi là quân lờn; như thế thì chém.

Đêm giữ đánh kiểng, lười mà không đánh, giờ canh không đúng, khẩu hiệu không rõ, thế gọi là quân lười, như thế thì chém.

Nói nhiều lời oán, giận không được thưởng, chủ tướng sai khiến thì ương bướng khó trị, thế gọi là quân ngang, như thế thì chém.

Oang oang cười nói như không có người, trên ngăn cấm không thôi, thế gọi là quân kiêu, phải chém.

Giữ đồ khí giới, dây cung thì đứt, tên không có vè có mũi, gươm giáo han rỉ, cờ xí rách nát, thế gọi là quân dối, phải chém.

Nói vu nói dối, bày chuyện quỷ thần, giả thác mộng mị, lừa dối quan quân, thế gọi là quân yêu, phải chém.

Hễ đến nơi nào là lấn áp cư dân, thông dâm phụ nữ, thế gọi là quân gian, phải chém.

Nhanh mồm lém lưỡi, tranh cãi phải trái, gây oán với quan quân, lệnh xuống không chịu theo, thế gọi là quân báng, phải chém.

Lấy trộm của người để làm của mình, cướp thủ cấp của người để làm công mình, thế gọi là quân trộm, phải chém.

Hoặc nghe bàn mưu kế và hiệu lệnh, đem nói ra ngoài, để địch nghe biết, thế gọi là quân bội, phải chém.

Khi sai làm việc, ngậm miệng không thưa, gục đầu cúi mình, nét mặt khó khăn, thế gọi là quân nhát, phải chém.

Ra vượt hàng ngũ, tranh trước rối sau, bàn nói om sòm, không theo lệnh cấm, thế gọi là quân rối, phải chém.

Thác đau ốm để trốn khó nhọc, thế gọi là quân trá, phải chém.

Cầm giữ tiền thưởng, trong khi ban thưởng thì thiên vị người thân, khiến cho quan quân kết oán, thế gọi là quân sai, phải chém.

Xem giặc không rõ, thám giặc không tường, đông mà nói không đông, không đông mà nói đông, nhiều mà nói ít, ít mà nói nhiều, thế gọi là quân lừa, phải chém.

Trong khoảng dinh trại, không có việc khao thưởng mà vô cớ uống rượu, thế gọi là quân cuồng, phải chém.

Lệnh này đã lập, quan quân có ai phạm, theo quân pháp mà chém ngay.


*
*   *

Không dè dặt lời nói thì mưu phải tiết lộ; không có lệnh nghiêm thì việc hẳn rối; không ban thưởng thì quân sĩ hẳn lười; hàng ngũ rối loạn do ở ám muội, phải xem xét rõ ràng để chữa đi; đêm hôm sợ hãi, cần phải nghiêm túc mà ngăn ngừa.

*
*   *

Quân địch vào sâu đất ta, thành quách không bền, lương cỏ thiếu thốn, giữ thì không lợi, ở ta cần hẹn cho giặc là phải đánh. Kẻ nào nhát lùi thì bảo cho là tất chết, kẻ nào đánh bắt được giặc thì bảo cho là tất thưởng. Trong lúc đem quân ra trận, kẻ nào quay lại sau thì chém. Đánh địch mà mình không định, mắt thường lấm lét, thì phải chém. Có sắc lo buồn mà xoăn xoe, nhìn nhau mà chập chừng mắt, bỏ chiêng trống mà không đánh, đều phải chém cả. Được một thủ cấp thì cũng hậu thưởng. Như thế thì có thể dùng thế tán địa1 mà đánh.

*
*   *

Đại tướng dùng lễ để thi hành thưởng phạt thì quân sĩ không oán và người ta đều có lòng sợ.

Các điều quân lệnh, phải nghiêm ở trước khi xuất quân, khiến cho tai mắt thấm nhuần, tránh không dám phạm.

- Giả làm vẻ đau ốm mà trốn đi đánh và đi nửa đường mà trốn đánh thì chém.

- Cướp bóc tài vật của dân và hiếp dâm phụ nữ thì chém.

- Đào trộm mồ mả để lấy của cải thì chém.

- Nói chuyện riêng với địch để tiết lộ quân cơ thì chém.

- Tự tiện vào nhà dân ngủ trọ, lìa bỏ hàng ngũ, để mất trật tự thì chém.

- Đêm hôm vô cớ mà tiếng to ầm ĩ, làm kinh động quân, thì chém.

- Đêm hôm phát cháy, vì không cẩn thận mà cháy thì chém.

- Canh giữ và đi tuần sơ hở, kẻ địch thừa dịp hoạt động, thì chém.

- Tự tiện giết tướng tốt đầu hàng thì chém.

- Tướng tốt đầu hàng thì cha con, vợ chồng không được khiến họ chia lìa, làm trái thì chém.

- Đánh nhau vì tư thù mà đến chết thì chém, người cai quản cũng bị phạt.

- Làm hại tài vật của dân gian và trêu cợt vợ con của dân thì phạt trượng nặng.

- Chửi nhau riêng làm mất quân lễ thì phạt trượng.

- Trên dưới tranh giành nhau làm mất trật tự thì phạt trượng.

- Nhận riêng cơm rượu của người khác, để đến nỗi ăn lầm phải thuốc độc của địch, người cai quản bị tội nặng.

- Riêng cùng bọn phù thủy cùng người xem số, xem bói làm phiến động bằng việc họa phúc để cho quân tình ngờ vực, thì phạt trượng.

- Say rượu nói xằng làm mất trật tự, sau khi tỉnh thì phạt trượng.

- Phá rỡ nhà cửa của dân và chặt cắt hoa quả, thì phạt trượng.
_____________________________
1. Thế tán địa là địa thế của quân đánh giặc ở trên đất của mình.

Phát khẩu hiệu.

Buổi chiều, các viên cai án ở trong quân đều hầu quan tham tán, biên lãnh khẩu hiệu, mỗi canh đổi một khẩu hiệu, mỗi khẩu hiệu hai chữ, hỏi một chữ, đáp một chữ, thí dụ hỏi chữ “vũ” thì đáp chữ “cường”, hỏi chữ “dũng” thì đáp chữ “yên”.

*
*   *

Sách Kinh thế:

Quân đi không có phép chung, thì phần chia không thể hợp được, phần xa không thể ứng được, chỗ này chỗ kia làm sao hiểu được nhau, đó là đường thất bại vậy. Nhưng chung mà không kín, lại bị mưu địch thì hỏng. Cho nên không những phải dùng cờ vàng, ngựa chạy, lệnh tiễn, lửa đốt, khói bốc để báo tin cần kíp, mà hai quân gặp nhau nên kết ám hiệu, đi xa nghìn dặm nên dùng thư trắng viết không thành chữ, làm văn vô hình, làm thẻ không giấy để cho người đem đi không biết, người bắt được cũng không thấy gì, thực là thần vậy. Nhưng nếu cách địch khó đi, xa mà không tới được, thì lại xem cơ mà làm.

*
*   *

Sách Võ kinh:

Võ vương hỏi: Ví như đem quân ta chia ra làm mấy nơi, muốn cho đúng hẹn về họp thì làm thế nào?

Thái công nói: Phàm phép dùng binh, ba quân đông đúc tất phải biến, khi phân khi hợp, đại tướng nên định trước nơi chiến và ngày chiến, rồi sau truyền gửi hịch thư cho các tướng lại, hẹn kỳ đánh thành vây ấp, đều họp ở một nơi để bảo rõ ngày đánh và từng giờ từng khắc. Đại tướng đặt dinh bày trận, dựng cây đo bóng ở trước trại quân, dẹp đường mà đợi. Các tướng lại tới đó, so xem ai trước ai sau, người đến trước hẹn thì thưởng, người đến sau hẹn thì chém. Như thế thì xa gần chạy họp, ba quân đều đến góp sức góp sức hợp đánh.

Vương hỏi: Ông giở sách Cấm thư1 xem ngũ âm thắng bại thế nào? – Thưa rằng: Phàm phép dùng binh, hiệu lệnh là tai mắt, dùng binh mà không rõ hiệu lệnh, như người mù đi đêm. Tôi xét trong kinh nói việc dùng binh, chuyên lấy hiệu lệnh làm gốc2.
_____________________________
1. Cấm thư: tức là binh thư, xưa là sách cấm.
2. Xem Võ kinh trực giải, phần “Lục thao”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét