VII – TUYỂN NGƯỜI LÀM VIỆC DƯỚI TRƯỚNG.
Sách Võ kinh:
Thiên văn 2 người, giữ việc xem sao và xem lịch, xem gió, chọn ngày giờ, xét tai dị; địa lợi 2 người, tra xét hình thế lợi hại, xa gần, khó dễ; binh pháp 2 người, giảng bàn binh pháp, luyện tập quân sự; thư toán 4 người, biên ghi lương thực, quân số khí giới; y sĩ 2 người, điều trị cho quan và quân; du sĩ 5 người, phòng làm gián điệp tuần thám; từ trát 4 người, để thảo giấy tờ và việt chương tấu.
*
* *
* *
Sách Kinh thế:
Sẵn quân mười vạn, nếu không có vài nghìn tử sĩ xông pha vào nơi hung hiểm thì không thề dùng kỳ1 được. Hành quân đi nghìn dặm, nếu không có vài lũ gián điệp xuất qủy nhập thần thì cũng không thể dùng kỳ được. Ta xem những nhà chuyên dùng kỳ, có người mưu sẵn đã thành mà lâm trận thì thua. Há chẳng phải là tử sĩ thì chỉ giúp tướng cao sang2, gián điệp chỉ là do trưởng công bằng sao! Động bằng ơn, kết bằng nghĩa, còn sợ không được, huống chi tướng không có chuyên quyền, mà lương không có để dùng lúc bất thần; trong hội đầu cơ, chớp mắt không kịp, tuy muốn dùng kỳ, nhưng không biết tự đâu mà dùng được.
Nhà vua có chân tay tai mắt; đại tướng có lông cánh tán tương, cho nên quân đội dùng nhân tài, cũng ngang với triều đình. Có trí sĩ như tham mưu, hay tán hoạch, hay mưu lược, chủ dùng ở nơi màn trướng mà quyết định việc quân cơ, động có việc gì là hỏi; có dũng sĩ như kiêu tướng, hay kiện tướng, hay mãnh tướng, chủ việc quyết chiến để xung đột, dẫn quân tiến lên; có thân sĩ, như tướng riêng, như tướng cầm tay, như tướng nanh vuốt, chủ việc hộ vệ tả hữu, để mà tuyên lệnh và cầm nắm binh cơ; có thức sĩ, hiểu thế trận, biết biến hóa, xem khí tượng, nghiệm gió mưa, hiểu hết thế đất, rõ tình hình địch, xem xét những điều nhỏ nhặt, giữ việc tiến chỉ của cả quân; có văn sĩ biết suốt xưa nay, hiểu thấu nguồn gốc, giữ nghi tiết, rộng bàn bạc, thảo hịch viết sớ, sửa soạn từ chương; có thuật sĩ tính về thời nhật, xét lẽ âm dương, xem bói toán, giữ đi về, luyện mồi thuốc độc, khiến việc quyền nghi nên chăng, lợi mình hại giặc; có số sĩ, biết vận nước, đón cơ hội, nhằm đánh úp đặt phục, tính lương cỏ, chép vật dùng, ghi công trạng, giữ sổ quân, biên hết tài năng, tính sổ nhiều ít; có kỹ sĩ như kiếm khách, đâm tử sĩ, khinh trộm cắp, úp thuyết khách, xét gián điệp, khiến ra vào đồn địch, xem cơ mà đặt mưu; có nghệ sĩ, sáng chế đồ dùng, quy hoạch ngòi hồ, sửa đồ xấu hỏng, chế vật mới lạ, đảo lớn nhỏ, rút xa gần, đổi trên dưới, lật nặng nhẹ, theo phép cổ, soạn sách mới, trang bị binh vật, để chu toán việc đánh giữ. Ngoài ra còn có các tài khác, như kịch, như múa, như cười, như mắng, như hát, như nhảy, như vượt, như bay, như vẽ, như nấu nước uống, như nhuộm màu nhuộm bùn, như mượn đồ vật, như nhanh chân đi giỏi, tóm lại không sao kể hết tên được, nhưng đều là kỹ năng đủ dùng để làm việc và gỡ rối. Tất phải kén chọn tinh tế khiến mọi người đều giỏi việc mình phụ trách, để cho việc gì cũng có người chuyên, mà trong quân không có việc gì không làm được. Đến như hiến mưu định sách thì chẳng chọn người, thình lình mà gặp, tuy một người lính thường cũng cần nhấc lên, lời nói chỉ có tiến mà không cự tuyệt, dù chẳng hay cũng chẳng phạt, như thế thì người anh hùng đều về. Đó là hình tượng các ngôi sao trong vũ lâm vậy. Trời sinh ra người, khí trụ ở trong lòng thì trí tuệ, khí tan ra chân tay thì chất phác. Chất phác thì sức nhiều; trí tuệ thì yếu nhiều. Trí dũng đều gồm được thì đời ít có. Cho nên tài người nào có thể vượt một trăm người thì làm trưởng trăm người, vượt được một nghìn người thì làm trưởng nghìn người, vượt qua nghìn người thành một quân thì có thể đối phó cơ sự ở một mặt, có thể đảm đương sức chống ở một mặt, đủ làm trưởng cả quân. Quân có lúc có, thì tướng cần có thể dùng một mình, cho nên người khéo dùng tài thì những chức thiên tì3 cũng đều là đại tướng cả.
_______________________________
1. Dùng binh lẻ.
2. Tướng cao sang, có quyền lớn của nhiều để thưởng to nên người ta cam liều chết để lấy thưởng.
3. Thiên tì: Tức thiên tướng và tì tướng.
Nguồn: http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php/topic,206.20.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét