Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Binh thư yếu lược


IV – TUẦN CANH

Phàm quân đi, ngủ đêm và đóng đồn ngủ đêm, cần phải năm canh tuần phòng canh giữ cho đến sáng rõ (địch thường nhân lúc buổi tối và khoảng trống canh tư trống canh năm mà đánh úp, nên phải giữ cẩn thận). Phép canh thì mỗi đội nguyên có 4 thập, 1 viên suất đội, 4 đội viên trưởng, mỗi canh mỗi thập 2 tên, cộng là 8 tên. Canh một thì suất đội đốc coi, canh 2, 3, 4, 5, mỗi canh một người đội trưởng đốc coi. Mỗi thập 2 người canh thì một người cầm giáo, một người cầm súng, một người đứng, một người ngồi, luân phiên thay đổi, một người trông ngoài để phòng kẻ gian, một người xem trong để xét ở trong. Hoặc có người lính nằm mơ sợ hãi, thì người lính canh một mặt bưng giữ lấy miệng một mặt đánh thức người nằm mơ ấy tỉnh dậy, đừng để kêu to. Nếu lính canh không giữ miệng và thức tỉnh người mơ để đến nói bậy làm kinh động thì người lính canh phải xử chém, người lính nằm mơ thì giảm một bực mà trị. Trong năm canh phái nhiều quân đi tuần (theo binh pháp có 1000 người thì lấy 500 người làm sách ứng, 500 người chia đóng giữ, đóng đồn, canh giữ, đi tuần, để phòng có bạo động ban đêm và phái quân tiếp ứng). 

Đại tướng ban đêm lấy còi gọi quân đi tuần (ở mặt trận, mỗi canh một lần đi tuần, lúc bình thường thì vào khoảng canh ba, canh tư, thổi còi đi tuần cho nghiêm việc phòng bị). Khi nghe trung quân thổi còi thì người lính canh gọi người lính nằm tỉnh dậy, đều cầm gươm súng, y theo chỗ của mình mà chờ đợi, sẵn sàng chiến đấu. Nghe một hồi còi rồi thì lặng ngồi mà nghe. Như có việc chiến đấu thì đợi được lệnh truyền, như không có việc lại nghe có 3 tiếng còi nữa là thôi, người canh đổi canh, người nằm vẫn nằm. Phép khẩu hiệu, như ở mặt trận thì mỗi canh một lần đổi, như bình thường thì năm canh đổi một khẩu hiệu, sợ khẩu hiệu tiết lộ ra ngoài. Như hỏi: chiến, trả lời: thắng, hỏi: yên, trả lời: không, ba lần như thế. Ám hiệu bằng hỏa mai thì một cây chỉ về trước, hoặc về bên tả, hay 2, 3 cây không nhất định. Việc binh thuộc về âm, nên chủ im lặng. Ban đêm, kẻ nào nói to làm kinh động, thì chém không tha. 

Phàm đồn quân ra vào, nên đi quanh mà không nên đi thẳng. Ngoài đặt bình phong che cửa (hoặc bằng đất hoặc bằng gỗ, tùy dụng) để phòng súng đạn và xung phong. Hai bên tả hữu thì chứa nhiều gạch đá để phòng ném xuống. Hoặc có vôi bột hay tro nóng thì rất tốt, để phả vào mắt người. Hai bên cửa lại trồng cột cao để treo bó đuốc, khi có việc đốt lên cho sáng. Thân lũy dài thì cách 2, 3 trượng treo một cây đuốc để phòng soi đêm. Hai bên cửa đều đặt súng lớn, bắn xa nạp đạn chiến, bắn gần nạp đạn ria, đạn hột đậu. Lính canh giữ cửa thì phái một đội quân, 1 suất đội; 4 đội trưởng, 40 tinh binh (trừ hỏa binh ra), súng chim 20 khẩu; bên tả cửa thì đội trưởng 1 người, lính 10 người (súng chim 5 cây giáo nhọn 5 cây), bên hữu cửa cũng thế, để hộ vệ súng lớn và hai bên cửa; suất đội 1 người, đội trưởng 2 người, lính 20 người (súng chim 10 cây, giáo nhọn 10 cây) canh giữ cửa chính. Ngoài lũy thì trồng tre nhọn 3 trượng để phòng sự xung phong của địch. Khi có việc thì không kỳ ngày đêm, đều theo bổn phận của mình mà phòng giữ, tùy theo trường hợp nhẹ nặng, phái quân sách ứng, tiếp đến phụ chiến. Ở trong đồn lũy thì lập đài thang để trông xa. Quân canh giữ không được lìa chỗ, người ngoài không được lẻn vào, trái thì chém. 


Thu và tan canh. 
Phàm cuối giờ dậu thì thu canh, đầu giờ dần thì tan canh. Đến giờ thu canh, tướng hiệu ở trong đồn bày đặt chiêng, thanh la, trống, ba khẩu súng. Thổi còi một lượt để cho ba quân nghiêm sự nhìn nghe. Quân sĩ đều nghiêm túc ở trại mình. Trống, chiêng, la đều đánh một tiếng, mõ ứng theo 3 tiếng, đều ba lượt như thế với 3 tiếng lẻ, rồi bắn 3 tiếng súng lệnh. Khi tan canh cũng y như thế, mà miễn đánh mõ. Lúc thu thì tiếng hơi thưa, lúc tan thì tiếng hơi dày.


V - QUÂN TƯ (Đồ ăn uống)

Lương. Phép trù lương, đại ước tính hằng năm thì nên lập đồn, tính hằng tháng thì nên vận chở, tính hằng ngày thì nên lưu cấp. Đường đi nghìn dặm thì việc vận chở và lưu cấp phải cùng làm, mà khi dời đổi không thường thì việc chuyển dời và lưu cấp cũng phải cùng làm. Nhưng khi cấp bách quá, không kịp dùng chảo nồi thì dùng lương khô. Bằng lấy được lương của địch, cùng là không mà làm ra vẻ có, rỗng mà làm ra vẻ đầy, đường vận tải đứt mà bị vây lâu, phải tìm trăm thức để nuôi sống, thì đó chỉ là cách cứu nhất thời, chứ không thể làm thường xuyên được. Việc ăn là việc gốc của dân, là việc tính mệnh của binh, tất phải mưu sao cho không hết, chở sao cho có luôn, hộ vệ sao cho chu đáo, tiêu dùng sao cho có chừng. 


*
*   *


Sách Yên thủy thần kinh: 

Phép dùng khi không có nước. Phàm gặp chỗ đóng dinh không có nước, thì tìm nơi nào có nhiều lau sậy mọc và có lỗ mối đùn, ở dưới tất có suối ngầm; hay tìm đường có dấu chân thú đi, theo đó không xa hẳn là có nước. 

Phép cướp lương. Phàm quân địch xông lại cướp lương thì mũi nhọn tất hăng, quân lương của ta ít, nên lánh mũi nhọn ấy đã, đợi khi chúng trở về, vai mang hẳn nặng, trong bụng tất sợ ta, ta sai quân phục ở đường trọng yếu, vùng dậy đánh là lấy được lương.


*
*   *


Phép nấu cơm trên cật ngựa1
_________________________________
1. Ở đây trích 2 chương của Hổ trướng khu cơ, đây xin bỏ, xem Hổ trướng khu cơ ở sau.


*
*   *

Sách Võ bị chế thắng chí1

Đem lương. Phàm nghìn dặm đem lương, quân có sắc đói, kiếm củi hái rau rồi sau mới nấu cơm, thì quân không được ngủ no. Huống chi đi sâu vào đất địch, xe chở lương không thông được, phải đánh úp địch để lấy lương. Tuy nói lấy lương ở địch, nhưng cũng lo nó làm cách vườn không nhà trống để chờ mình. Vậy nên mỗi người phải đem vài đấu lương khô có thể dùng được vài tuần. Nếu rút quân ở đường, cách cõi còn xa, lương chứa thiếu thốn, tức phải chọn những trâu ngựa gầy còm để cho quân ăn, ngõ hầu giữ được sức người, không bị giặc làm khốn. Dùng gạo một thạch, đem chưng chín lên, rồi bỏ vào nước tương mà ngâm, dùng lửa sấy khô, lại chưng lại sấy, làm thế mươi lần, có thể được độ 2 đấu. Mỗi lần lấy ăn chỉ một lẻ to, trước lấy nước nóng mà ngâm, đợi cho trương lên, rồi sau đem nấu ăn, mỗi người có thể ăn được 50 ngày. 

Muối 3 đấu, đem trộn với gạo, bỏ vào trong nồi, dùng than lửa rang, làm cho săn lại không tan, mỗi người có thể ăn được 50 ngày, đem đi tháng hè thì hợp. 

Vải to một thước, lấy một thăng giấm chua tẩm đem phơi khô, hễ giấm hết thì thôi, mỗi khi ăn, cắt lấy một tấc mà nấu, có thể ăn được 50 ngày. 

Lấy bột tiễu mạch gói một tấm bánh chưng, tẩm vào một đấu giấm, đem phơi khô, bao giờ hết giấm thì thôi, mỗi lần ăn, lấy bằng 2 quả vông mà nấu, một người có thể ăn được 50 ngày. 

Lấy 3 đấu đậu, giã ra như cao, thêm vào 5 đấu muối, nắm làm bánh, phơi khô để ăn, to bằng hột táo, để thay tương, mỗi người có thể ăn được 50 ngày. 

Như lúc gay go lắm thì các đồ quân trang bằng da cũng có thể nấu ăn để cứu đói được. 

Trên đường hành quân thì tước lấy vỏ cây thông, mỗi 10 đấu vỏ thông thì cho vào 5 lẻ gạo để nấu, sai nấu chín nhừ ra, nửa đấu một người có thể ăn được một ngày. 

Mỗi người đem đi nửa cân vừng, gặp lúc khát thì nhấm 30 hột là khỏi khát ngay; cũng có thể đem ô mai hay tương quả; mỗi người mang theo một quả bầu hay ống tre, túi da, có thể chứa độ 2 cân, liệu nước ở đường trước mà đựng nước đem theo. Quân ngựa thì mỗi người đem tương khô cho ngựa, sợ ngựa khát. 

Đời gần đây lính biên phòng đi xa thì có các thứ bánh bột, cơm nắm, túi miến. Bánh bột dùng bội gạo làm miến, hòa vào nước sôi làm thành bánh, dày một phân, đợi nguội cắt vòng như con cờ, phơi khô cất đi, như ở dinh trại thì dùng nước nóng ngâm mà ăn, như đi đường và trong chiến trường thì ăn khô, vị ngon mà khỏi khát, hơn các thứ bánh tạp. Còn cơm nắm túi miến thì đều làm theo phép thường, duy phải phơi cho rất khô, để có thể đem đi và để lâu. 


Tìm nước. Trong khi hành quân, nên trước chọn suối nước. Theo phép cũ thì quân đi trước và quân đi sau phải trông coi việc cỏ nước, giữa đường gặp nước thì nên kéo cờ đen để báo cho mọi người.

Phàm quân đến đâu thiếu nước, thì xem chung quanh đấy thấy có dấu đường ngựa bò đi, thì tìm xem dấu đến đâu, hẳn là có nước. 

Phàm ngoài đồng thấy nơi nào chim muông tụ họp hay nơi có loài chim nước họp thì đấy phải có nước. 

Phàm chỗ đất mọc lau sậy cỏi lác và có đống mối đùn thì ở dưới hẳn có suối ngầm. 

Có thuyết nói lạc đà hay biết chỗ có nước, khi đi đường bị khát, thì nó quỳ xuống trên cát, đào dưới đấy thì có mạch nước. 

Đại phàm quân đi về tháng mùa đông, mỗi người đều mang một cục nước đá, trời lạnh không tan được, cũng có thể phòng khát. 

Phàm suối nước ở cách dốc núi thì lấy ống trúc lớn, chọc thủng mắt đi, để ngọn ống này đút vào gốc ống kia, rồi lấy dâu và vôi hay sáp ong gắn liền cho khỏi chảy nước, đẩy đầu ống trúc cắm vào trong nước tới 5 thước, rồi ở cuối ống đốt củi thông hay cỏ khô, khiến cho hơi ở trong ống trúc ngầm thông vào nước, thì nước từ trong chảy ngược lên. 
_________________________________
1. Võ bị chế thắng chí, quyển 5, chương “Quân ta”.


VI – HÌNH THẾ

Sách Kinh thế:
 
Xem nơi đóng quân. 

Phàm tiến quân đánh địch, trước hết phải xem hình thế đất địch: mười dặm thì có hình thế mười dặm, trăm dặm thì có hình thế trăm dặm, nghìn dặm hay mấy nghìn dặm đều có hình thế cả; tức trong khoảng mấy nghìn dặm, một dinh một trận cũng đều có hình thế. Một hình thế tốt có họng, có lưng, có hông hữu, hông tả, có chỗ căn cơ yếu hại, mà có thể cậy được là cậy ở núi, cậy ở sông, cậy ở thành vách, cậy ở quan ải hiểm trở, cỏ cây rậm rạp, đường sá lẫn lộn. Đánh địch thì phải biết đường nào nên tiến, chỗ nào nên đánh, đất nào nên tới, chỗ hở nào nên lợi dựng, núi nào nên đặt phục, đường lối nào nên qua, chỗ hiểm nào nên giữ, để tiện cho quân kỵ, quân bộ, tiện cho đoản binh trường binh, tiện cho trận ngang trận dọc; đã tính toán rồi thì sau mới có thể chẹt họng hay vỗ lưng, hoặc xuyên hông, hoặc nắm nơi căn cơ yếu hại. Cậy núi thì tìm phép để vượt qua núi; cậy sông thì tìm phép để sang qua sông; cậy thành vách, quan ải, đường sá, cỏ cây, thì tìm cách bạt thành, phá vách, vượt quan qua ải; đốt cây trừ cỏ, khảo xét những đường to ngõ tắt. Thế ở ngoài thì đừng khinh suất mà vào sẽ như cá trong nồi, khó mà thoát khỏi. Thế ở trong thì đừng đi quanh lượn, sẽ như hổ tìm dê trong chuồng, không thể ăn được. Cho nên thành mà không có quân phục thì khó đánh; quân mà không có hướng đạo thì khó tiến; núi sông nhờ người ngựa mà giữ bền, nếu người có thể chống cự được thì núi sông có hiểm gì đâu? 

Đất có hình thế ở nước Thục không đâu bằng núi Điếu-ngư. Xin kết với chư hầu, nếu dúng được người và chứa thóc mà giữ thì có thể giỏi hơn 10 vạn quân nhiều lắm. Ba Thục không đủ giữ được. 

*
*   *

Trước có người bạn hỏi ta rằng: Địa lý thế nào?1


*
*   *


Sách Tôn tử: 

Hình đất có nhiều thứ, có thông, có quải, có chi, có ải, có hiểm, có viễn. Ta có thể đi, địch có thể lại, thì gọi làthông. Hình đất thông ta chiếm trước, lấy được chỗ cao sáng, lợi đường vận lương, đánh thì có lợi. Có thể đến dễ mà trở về khó, thì gọi là quải (vướng). Hình đất quải hễ địch không phòng thì ra đánh thắng được, bằng địch có phòng thì ra đánh không thắng được, khó trở về, không lợi. Ta ra mà không lợi, nó ra cũng không lợi, thì gọi là chi(cầm). Hình đất chi, địch tuy lấy lợi nhử ta, ta không ra, đem quân bỏ đi, để địch ra nửa chừng mà đánh thì lợi. Hình đất ải (hẹp) mà ta đến ở trước rồi thì phải đóng chặn cửa ải mà chờ địch. Như địch đến ở trước, nếu nó đóng chặn cửa ải thì ta không theo vào, không đóng chặn thì ta theo vào. Hình đất hiểm mà ta ở trước thì phải đóng trên cao để chờ địch. Như địch ở trước thì ta bỏ đi không theo vào. Hình đất viễn (xa) thì thế đều nhau, khó mà khiêu chiến, chiến thì không lợi. Phàm sáu hình đất ấy là đạo lý về đất, người làm tướng gánh vác không thể không xét kỹ2
________________________________
1. Đoạn này trích ở Hổ trướng khu cơ, đây xin bỏ, xem Hổ trướng khu cơ ở sau.
2. Tôn tử, thiên X.



*
*   *

Trong phép dùng binh, có đất tán, có đất khinh, có đất tranh, có đất giao, có đất cù, có đất trọng, có đất dĩ, có đất vi, có đất tử. Nước chư hầu tự đánh ở đất mình, gọi là đất tán (tan). Lấn vào đất người mà không được sâu, gọi là đất khinh (nhẹ). Ta được thì lợi, họ được cũng lợi, gọi là đất tranh (giành). Ta có thể đi, họ có thể đến, đó gọi làđất giao (xen nhau). Đất chư hầu kề liền ba nước, đến trước mà được quân của thiên hạ giúp thì gọi là đất cù(đường thông). Vào sâu đất người, quay lưng lại nhiều thành ấp, thì gọi là đất trọng (nặng). Rừng núi hiểm trở lầy lội, đường sá khó đi, thì gọi là đất dĩ (lún). Lối đi đến thì hẹp, lối về thì cong, họ ít có thể đánh ta nhiều, thế gọi làđất vi (vây). Đánh gấp thì còn, không đánh gấp thì mất, thế gọi là đất tử (chết). Cho nên đất tán thì không nên chiến đấu; đất khinh thì không nên dừng quân; đất tranh thì không nên đánh; đất giao thì không nên bỏ dứt; đất cù thì giao kết; đất trọng thì cướp lấy; đất dĩ thì đi tới; đất vi thì lập mưu; đất tử thì đánh. Gọi là người giỏi dùng binh đời xưa biết làm cho địch. trước sau không tiếp kịp nhau, nhiều ít không cậy nhau, sang hèn không cứu nhau, trên dưới không giúp nhau; binh tan mà không hợp, binh hợp mà không đều; hợp với lợi thì động, không hợp với lợi thì dừng1


*
*   *


Cải biến của chín đất, cái lợi của sự co duỗi, cái lẽ của tình người, không thể không xét. Phàm đem quân vào đất người, ở chỗ sâu thì phải chuyên, ở chỗ cạn thì phải tán. Bỏ nước vượt bờ cõi mà mang quân đi, đó là ở đất tuyệt; bốn mặt đều có đường thông, đó là đất cù; đi vào sâu là đất trọng; đi vào cạn là đất khinh; trở lưng ra nơi vững, trước mặt thì chật hẹp, đó là đất vi; ở vào nơi không thể tiến được, đó là đất tử. Thế cho nên ở vào nơi đất tán thì ta phải một lòng; ở vào nơi đất khinh thì quân phải liên tiếp; ở vào đất tranh thì ta ruổi đi sau; ở vào đất giao thì ta giữ cẩn thận; ở vào đất cù thì ta kết cho chặt; đất trọng thì ta phải tiếp lương thực; đất dĩ thì ta phải tiến lên (cho mau); đất vi thì ta đóng chặn chỗ hở; đất tử thì ta tỏ là không cần sống. Cho nên tình của binh, địch vây thì chống, không được thì đánh, nó qua thì theo2


*
*   *


Quân đi, thích chỗ cao mà ghét chỗ thấp, quý chỗ sáng mà rẻ chỗ tối3. Phàm hình đất các nơi đều có khác nhau, gọi là tuyệt giản, thiên tỉnh, thiên lao, thiên la, thiên hãm, thiên khích4. Quân đi gặp những hình đất ấy thì kíp xa ngay mà đừng có tới gần. Ta lánh xa cho địch tới gần, ta hướng vào đấy cho địch dựa vào đấy5. Thế cho nên hành quân nên xa sau chỗ hại đó. 
_________________________________
1, 2. Tôn tử, thiên XI.
3. Tôn tử, thiên IX.
4. Mai Nghiêu Thần, một nhà chú giải sách Tôn tử (Tôn tử thập gia chú) chú rằng: Trước sau hiểm dốc, nước chảy ngang ở giữa là tuyệt giản (suối ngăn); bốn mặt đều có suối khe chảy về là thiên tỉnh (giếng trời); ba mặt cách tuyệt, dễ vào khó ra là thiên lao (cũi trời); cỏ cây chằng chịt, gươm mác khó trở là thiên la (lưới trời); thấp lội trơn bẩn, xe ngựa chẳng thông là thiên hãm (bẫy trời); hai núi chạm nhau, đường hang chật hẹp là thiên khích (khe trời)
5. Xem Tôn tử, chương IX.



*
*   *

Người đánh giỏi vì có đất mà mạnh, vì có thế mà thắng; như chuyển nghìn hòn đá ở trên núi nghìn nhẫn1, chỉ nhờ có địa thế. Binh vì có đất mà mạnh; đất vì có binh mà hay. Người giỏi dùng binh thì (địch ở) núi cao chớ nghển (lên mà đánh, địch) dựa vào gò chớ đón (mà đánh)2, quý chỗ sáng mà rẻ chỗ tối, nuôi lấy sống mà ở chỗ chắc3, thế thì không có hại gì hết. 


*
*   *


Xưa Cao tổ giữ đất Quan-trung, Quang-vũ giữ đất Hà-nội, đều là nơi rễ sâu gốc bền để chế thiên hạ, tiến có thể thắng được địch, lui có thể đủ giữ bền, cho nên dù có khi khốn bại mà sau cùng thành được nghiệp lớn. Tướng quân vốn lấy Duyện-châu làm đầu..., và Hà Tế4 là đất trọng yếu của thiên hạ..., đó cũng là Quan-trung, Hà-nội của tướng quân, không thể không dẹp trước... 5. Nay địa thế không có lợi, chưa thấy có nơi nào dùng được. Nên chọn gò cao để giữ, khiến địch không thắng được. Địch giữ chỗ hiểm lấy làm bền, trước mặt là núi cao, sau lưng là thành dài, quân ta ở trên núi đánh xuống hẳn phải vỡ. 


*
*   *


Sách Hồng vũ đại định: 

Phép địa lợi ở trên núi cao đánh xuống thấp: Địa thế ở trên núi cao lợi, xông đánh xuống thấp thì thắng; lợi dùng cán thương, không lợi dùng lá chắn. Ta tới trận địa, trước phải nhằm nơi gò cao mà giữ, khiến địch ở dưới thấp; hay ở nơi gò cao chằm lấy, thì ta nên đến trước gò cao khiến địch ở dưới thấp. 

Lời quân sấm nói: 

      Đất nổi gò cao, đến chiếm ào ào.
      Núi không cỏ cây, nước không sông dài,
      Lợi cao đánh thấp, không lợi ẩn nấp.
      Từ cao đánh hăng, giặc không dám đương. 


Đó là nói lợi cao đánh thấp. Nếu giặc đã chiếm giữ làm kế lâu dài thì ta không đánh. 
_________________________________
1. Nhẫn: đơn vị để đo chiều cao đời xưa.
2. Xem Tôn tử, chương VII.
3. Xem Tôn tử, chương IX.
4. Duyện châu là miền tây-nam tỉnh Hà-bắc và miền đông-bắc tỉnh Sơn-đông.
Hà Tế là sông Hoàng-hà về tỉnh Hà-bắc và sông Tế-giang về tỉnh Sơn-đông.
5. Trích Tam quốc chí, Ngụy thư, “Tuân Húc truyện”. Đây là Tuân Húc nói với Tào Tháo.



*
*   *

Sách Võ kinh: 

Thái tôn nói: Thái công nói lấy bộ binh và quân xa kỵ để đánh tất phải dựa vào gò mả hiểm trở, mà Tôn tử lại nói rằng chỗ đất thiên khích và nơi gò mả thành cũ, quân không nên ở là thế nào?

Tĩnh nói: Việc dùng binh là ở một lòng; một lòng là cấm giới rõ ràng, bỏ sự ngờ vực. Nếu chủ tướng có chỗ nghi kỵ thì quân tình lay động; quân tình lay động, thì địch thừa hấn mà đến. Đóng dinh giữ đất chỉ tiện cho quân sự mà thôi. Đến như những nơi giản, tỉnh, hãm, khích1 và các chỗ lao, la2 thì nhân sự không tiện, cho nên nhà binh phải bỏ mà lánh đi, để phòng địch thừa thế đánh ta. Gò mả thành cũ không phải là nơi hiểm tuyệt, ta được nơi đó mà lợi thì sao lại bỏ mà đi? Lời Thái công nói là điều chí quan yếu cho nhà binh vậy3


*
*   *


Sánh Kinh thế: 

Người giỏi dùng binh cần phải lượng thế. Ở vào một góc, mà thiên hạ lung lay, không ai ở yên được, là vì nắm được chỗ tay trên vậy. Lấy ít chọi nhiều mà bền sắc phải tránh phải vỡ, không ai dám tranh, là vì chẹt được nơi trọng yếu vậy. Phá một dinh mà mọi dinh đều tan, được một xứ mà các xứ đều theo, là vì triệt được chỗ họ nhờ vậy. Trận chẳng đợi phải giao hợp, ngựa chưa phải dùng roi cương, địch trông bóng cờ mà đã vội vàng thua chạy, là vì làm nhụt khí nó vậy. Biết xem thế đặt, biết lập thế quân, khéo dùng kỹ thuật, đánh không đâu là không lợi. 

Chế người ta ở lúc nguy nan, chẹt người ta ở chỗ sâu hẳm, nhử người ta vào chỗ phục binh, trương máy đặt cạm, tất tính là địch không thể thoát thì mới phát, vì phát sớm thì địch trốn, mà phát chậm thì lỗi thời. Cho nên người giỏi dùng binh đưa người ta vào chỗ không biết. Cái đạo hành binh, quý nhất là biết địa lợi, địa lợi không rõ thì rất khó ra quân kỳ đặt quân phục. Đến chỗ nào thì tướng và quân coi dinh trước hết phải đem hình thế hiểm dễ của sông núi vẽ thành đồ bản, non non, nước nước, không thể lẫn lộn, mà không cần tô điểm trang hoàng cho đẹp mắt, nhưng phải chủ thích rõ ràng quân ta nên do đường nào mà tiến, nơi nào nên giữ, nơi nào nên đặt phục, nơi có hay không dấu chia đường, nơi nào có thể hợp quân, nơi nào có thể quyết chiến, quân giặc tất do nơi nào mà đến, nơi nào nó có thể mai phục, nơi nào nó có thể chặn sau lưng ta, bằng đối địch thì quân ta nên đóng nơi nào để có địa lợi, nơi nào núi hiểm hang sâu, có rừng rú hay không, trong ấy rộng hay hẹp, nơi nào có thể phục binh được bao nhiêu tên, nhất thiết ghi rõ, dâng lên cho đại tướng, lại thêm ý kiến của mình châm chước kỹ càng. 
______________________________
1, 2. Thiên giản, thiên tỉnh, thiên hãm, thiên khích, thiên lao, thiên la: Xem chú giải ở trên.
3. Võ kinh trực giải, phần “Lý Vệ công vấn đối”.


Nguồn: http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=206.60

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét