Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

Binh thư yếu lược


IV - QUÂN LỄ
Phụ: Thưởng phạt.


Trị quân phải theo lễ, mà quyền bính ở mình. 

Trị quân mà đối với người trẻ người lớn đều có lễ, thì biết là người đủ làm được việc. Trị quân mà không theo lễ, thì tướng nhỏ có thể lấn được tướng súy, tướng súy có thể lấn được thiên tử, họa loạn do đó mà sinh ra. Quyền lớn không thể không ở mình được, nếu quyền dời xuống người dưới, trên dưới thế ngang nhau, trên không sai khiến được dưới, dưới không bẩm báo lên trên, đó là quyền lớn không ở mình vậy. Thời Hậu Đường quân sĩ giết tiết độ sứ, rồi nhân lấy chức của người bị giết ấy mà trao cho. Gần đây như họ Trịnh mất quyền thống ngự, quân sĩ sinh kiêu1, đến nỗi loạn vong, thì cũng giống thế. 

Tuốt gươm đứng dậy, giết trâu khao quân để yên ủi khuyến miễn, thì sĩ khí phấn khởi lên nhiều. 

Nên trọng thưởng ở nơi biên cảnh. Khi quân Di Địch lấn cõi, bọn đại gian thì mưu can phạm đạo thường, bề tôi giỏi thì vâng mệnh đi đánh để giữ vương quốc, siêng việc vua mà lập công lớn. Binh pháp nói: công lao không việc nhỏ nào mà không chép để thưởng. 

Ở quân thì đi đứng cứng cáp; khi đi mau thì quả quyết; mặc binh phục thì không lạy; ngồi xe binh thì không chào; qua cửa thành không rảo bước; gặp việc nguy không nhường ai. Cho nên lễ với pháp là ngoài với trong, văn với võ là tả với hữu2

Khi xe vua đến, tôi con nên giết trâu lọc rượu để đãi trăm quan, há dám đem quân giặc mà biếu cho vua cha đâu? 

Quân (đi thú) đi sau tướng lại3 mà đến sau chỗ đại tướng một ngày thì cha mẹ vợ con cùng bị tội hết4; quân trốn về nhà một ngày mà cha mẹ vợ con không bắt hay nói ra thì cũng đồng tội. Đánh trận mà quân sĩ bỏ trốn và tướng lại bỏ sĩ tốt mà chạy một mình thì đều chém. Lại trước bỏ quân mà thua chạy, sau lại hay chém được mà cướp nắm lấy quân thì thưởng. Ba quân đại chiến, nếu đại tướng chết mà quan lại đi theo 500 người trở lên không hay liều chết với địch được thì chém, những lính theo gần ở tả hữu đại tướng khi ra trận cũng đều chém hết; còn dư sĩ tốt nào có quân công thì đoạt một cấp, không có quân công thì đi thú ba năm. Đánh trận mà mất người trong ngũ và người trong ngũ chết mà không lấy được xác, thì các người đồng ngũ đều bị đoạt hết công, lấy được xác thì đều tha tội... Dùng phép mà ngăn cái tệ trốn về và cấm binh bỏ trốn, đó là điều thắng thứ nhất của quân. Thập và ngũ cùng liến nhau và khi chiến đấu quan binh cùng cứu nhau, đó là điều thắng thứ hai của quân. Tướng hay lập uy, quân giữ kỷ luật, hiệu lệnh thì tin, đánh giữ đều được, đó là điều thắng thứ ba của quân. 

Phép ra lệnh cấm quân sĩ5

Phụ: Thưởng phạt. 

Thái công nói: Tướng lấy việc giết được người lớn làm uy; thưởng cho người nhỏ thì sáng. Vì giết người quý trọng đương có quyền là hình gia lên trên hết, thưởng đến những kẻ chăn trâu, nuôi ngựa, nấu bếp là thưởng đến dưới cùng. Do đó mà uy tín của tướng có thể lập được. 

Quân chưa gần gũi mà đã trừng phạt thì họ không phục, không phục thì khó dùng; quân đã gần gũi mà không thi hành trừng phạt thì không thể dùng được. Cho nên khi ra lệnh thì dùng văn, mà thi hành thì dùng võ thế mới gọi là tất lấy được. Lệnh đó quen thi hành, đem ra dạy dân thì dân hẳn phục, đem dùng với quân thì cũng theo. 
________________________________
1. Tức là loạn Kiêu binh đời Lê Cảnh Hưng ở nước ta.
2. Đoạn này đã có chép ở trên chương “Tướng đạo”, dẫn lời Võ kinh.
3. Tướng lại: Tướng là người cầm quân, chỉ huy, lại là người giữ việc giấy má sổ sách trong quân.
4. Đoạn này chép ở Võ kinh, chương 24 “Binh lệnh hạ”. Võ kinh trực giải quốc ngữ ca dịch câu này là: “Đi thú giữ sau tướng viên, một ngày thì cũng tội liền vợ con”.
5. Chương này chép ở Hổ trướng khu cơ, ở đây bỏ, xin xem Hổ trướng khu cơ ở sau.


Nguồn: http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php/topic,206.20.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét