Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

Nhà thơ Từ Nguyễn





Từ Nguyễn tên thật là Nguyễn Nguyệt Thu, sinh ngày 11-3 ở Huế, hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế. 

Hiện nay là Giám đốc Trung tâm VHTT-TT Thị Xã Hương Thủy TTHuế.

Tác phẩm: 
- Như một nỗi đời riêng (Thơ) NXB Thuận Hoá, 2009. 
- Nhặt lá mùa xưa (Thơ) NXB Thuận Hoá, 2011. 
- Thơ in chung trong "1000 nhà thơ Huế đương thời" (tập 1), "Trăng nước Hương Giang" (tập 2), "Thơ tình xứ Huế" (NXB Trẻ & Tủ sách Sơn Ca, 2010). 
- Thơ đăng trên tạp chí Sông Hương, báo Thừa Thiên Huế, Văn hoá Huế... 


"Nỗi đời riêng" và ánh rằm xưa 
(Nhà thơ Võ Quê) 

Mỗi người trên thế gian này đều có một nỗi đời riêng. Buồn. Vui. Khổ đau. Hạnh phúc. Nỗi đời riêng có khi phải chôn chặt, vùi lấp, dồn nén... nước mắt ngấn thành ngọc. Có khi òa vỡ, dâng trào thành nụ cười bao dung trước cuộc sống vốn nhiều hệ lụy, đa đoan. Với Từ Nguyễn (Nguyệt Thu) Nỗi Đời Riêng đã được chuyển hóa vào những dòng tình có hình ảnh, nhạc điệu của thơ ca. 

Lặng lẽ sống. Lặng lẽ viết. Lặng lẽ tỏa hương từ quê nhà yêu dấu trong từng khát vọng, từng ước mơ đằm thắm, thuần khiết nhưng tiềm ẩn một sức sống nội tâm với trăn trở, khắc khoải, với dằn vặt, cảm hoài, thiết tha một tình yêu dành cho trần thế, cho hoa lá cỏ cây, cho những số phận buồn. Một đời người đâu chỉ có cung thương. Trong sâu thẳm tâm hồn biết bao dây nhớ... 

Day dứt. Băn khoăn. Hoài niệm. Xao xuyến. Nồng nàn... là những trạng thái thật không dối mình trong thơ Từ Nguyễn. Vì thế, nỗi đời riêng của Từ Nguyễn sớm được bắt nhịp đồng điệu, đồng cảm chung của nhiều người vốn dĩ nòi tình. Thơ Từ Nguyễn đã có tri kỷ, tri âm từ ấy. 

Quê hương. Huế. Bốn mùa thiên nhiên... cũng là mạch nguồn thi tứ đa sắc, đa thanh vô cùng cho Từ Nguyễn dụng tâm vào bút lực. Thơ Từ Nguyễn đôi lúc hóa thân đài hoa bưởi thơm lâu giữa vườn xuân. Âm thầm, dịu vợi nhưng bền bỉ một hòa âm đẹp, một tín hiệu mới về niềm đam mê sáng tạo văn học. Một câu thơ mấy nỗi đời. Tôi hong khô chút giọt trời mong manh. Gửi lòng thuyền giấy mảnh trăng... 

Bằng thuyền giấy mảnh trăng... huyền ảo ấy cùng hành trang là nỗi đời riêng, tôi tin Từ Nguyễn sẽ bình yên đến được bến bờ thơ viên mãn và tìm thấy ánh rằm xưa... 


"Nhặt lá mùa xưa" - Hiền ngoan tiếng yêu mềm 
(Nhà thơ Võ Quê) 

Từ ban mai nắng mật vàng tươi, trong bóng chiều hôm, ánh khuya sao trăng lấp lánh, tiếng mưa qua ngõ sầu, cơn cuồng phong bất chợt hay xuân hạ thu đông bất biến… thơ Từ Nguyễn trong Nhặt lá mùa xưa ngời lên từng con chữ lấp lánh, tròn ý đầy tình. 

Nguồn cảm xúc thơ Từ Nguyễn khởi hành từ cuộc sống thật của chính mình. Chiều sâu tháng năm dài, bề dày hiện thực với những biến chuyển phù trầm không giới hạn đã tạo nên một bút lực mới, trữ tình để từ ấy, mỗi bài thơ trong Nhặt lá mùa xưa là bức tranh sinh động đủ sắc màu ấm lạnh. 

Hình ảnh từng chiếc lá yêu thương dần tái hiện nguyên lành không gian xa xưa với cuộc tình dại khờ một thuở. Chiếc lá mỏng manh thành kỷ vật tin cậy óng ánh lên vầng sáng buổi yêu đầu. Lá lung linh bay trên từng phím chữ đã nên thơ. 
    Nhặt lá mùa xưa. Lá cũng là hiện tại hiền lành, lặng lẽ trong biển đời mênh mông sóng động. Với lá, người thơ tìm về góc nhỏ dịu êm cho thơ cộng hưởng với đất trời và niềm vui dung dị cùng tâm tình tri kỷ, tri âm đang hình thành một cõi bình yên, rất bình yên, hòa ái. 

Nhặt lá mùa xưa. Ước mơ, khát vọng kiếm tìm từng vùng trời dĩ vãng xanh cũng ngân lên nguồn rung động vô cùng trong tâm tưởng người thơ. Câu hỏi ngắn nhưng tiềm ẩn dằng dặc biết bao hoài niệm, da diết theo mỗi cung thương, bậc nhớ: “Có ai cùng với tôi/ Giữa một ngày đang mới/ Tìm lá mùa xưa rơi...” 

Nhặt lá mùa xưa. Từ Nguyễn đã gom mọi hồi ức đẹp, có buồn có vui trong đời nạm lên giai điệu thơ khi trầm lắng, khi trào dâng. Chắt lọc rồi buông thả. Gọt giũa và chạm khắc. Lá mong manh mà lại vĩnh hằng, trang trọng, hiền ngoan trong chiếc kén thơ yêu. 

Nhặt lá mùa xưa. Từ Nguyễn gọi mời: “Hãy về với cội nguồn/ Cho mềm đôi cánh mỏi/ Chút tin yêu còn lại/ Trải lên che vết sầu...” 

Nhặt lá mùa xưa. 
Xin lần mở từng trang!

Nguồn: http://www.thivien.net/viewauthor.php?ID=1869
Tham khảo thêm: http://www.voque.org/index.php?option=com_content&view=article&id=847:nha-th-t-nguyn-&catid=17:vn-hc&Itemid=47


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét